Cuộc phân tích 120 chất chuyển hóa bằng những công nghệ mới đã giúp các nhà khoa học Mỹ tìm ra thứ có thể đem lại “sự trường sinh bất lão”.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications cho thấy một axit amin gọi là threonine có thể giúp con người tạo ra phương thuốc “trường sinh bất lão” hiệu quả.
Nhóm tác giả từ Viện Nghiên cứu về lão hóa Buck (Mỹ) đã sử dụng công nghệ học máy và sinh học hệ thống tiên tiến để phân tích và liên kết các tập dữ liệu khổng lồ từ ruồi giấm và người để xác định các chất chuyển hóa chính ảnh hưởng đến tuổi thọ ở cả hai loài.
Threonine, một axit amin có trong các món đạm động vật lẫn thực vật, có tiềm năng trở thành cơ sở cho các phương thuốc “trường sinh bất lão” trong tương lai – (Minh họa AI: ANH THƯ).
Tổng cộng 120 chất chuyển hóa trong 160 chủng ruồi giấm trong cả chế độ ăn hạn chế và bình thường đã được xem xét.
Mục tiêu là để tiết lộ cách các kiểu gene khác nhau phản ứng với chế độ ăn để ảnh hưởng đến tuổi thọ và sức khỏe.
Sau đó, họ đã đối chiếu chéo các phát hiện với dữ liệu của con người từ ngân hàng dữ liệu sinh học khổng lồ Biobank của Anh. Cuối cùng họ gạn lọc ra cái tên “threonine”.
Cái tên threonine không xa lạ, nếu như bạn thường quan tâm đến các nghiên cứu y học.
Nó là một trong 20 loại axit amin thiết yếu mà bạn cần phải nạp vào thông qua thức ăn, tham gia vào quá trình sản xuất collagen và elastin, quá trình đông máu, chuyển hóa chất béo.
Axit amin này cũng tham gia nhiều hoạt động khác của hệ miễn dịch, thần kinh, tiêu hóa…
Giờ đây, các tác giả phát hiện ra rằng, threonine còn kéo dài tuổi thọ theo cách đặc trưng cho từng kiểu gene khác nhau và giới tính khác nhau.
Ở ruồi, những con có mức chất chuyển hóa liên quan đến threonine cao hơn có cuộc sống khỏe mạnh hơn, dài hơn. Các mô hình chỉ ra điều đó cũng đúng với con người.
“Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đã ngừng mong đợi tìm ra một biện pháp can thiệp thần kỳ cho quá trình lão hóa. Phương pháp của chúng tôi cung cấp một cách khác để phát triển y học chính xác cho khoa học lão khoa” – GS-TS Pankaj Kapahi, tác giả chính cho biết.
Các nhà khoa học sẽ xác minh phát hiện này cụ thể hơn thông qua các nghiên cứu lâm sàng, với mục tiêu thiết kế ra các phương thuốc “trường sinh bất lão”, hoạt động theo cách đẩy lùi các vấn đề liên quan đến tuổi tác.
Còn đối với mỗi người, việc nạp chất “trường sinh bất lão” này ở mức vừa đủ chắc chắn là cần thiết.
Threonine có nhiều trong các loại đạm động vật lẫn thực vật. Nhu cầu threonine cần thiết với người trưởng thành là 15mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể: Ví dụ người nặng 70kg cần khoảng 1050mg threonine mỗi ngày.
Theo My Food Data, 100 g thịt bò nạc cung cấp tới 1595 mg threonine, 100 g thịt gà nạc cung cấp 1438 mg, còn thịt heo nạc là 1363 mg, cá ngừ là 1311 mg, trứng là 604 mg.
Đối với nguồn đạm thực vật, hàm lượng threonine đa phần thấp hơn do đó nếu bạn không ăn thịt cá, cần cẩn thận với việc thiếu chất này.
Nguồn đạm thực vật giàu threonine nhất mà bạn có thể bổ sung là hạt bí với 998 mg trong 100g.
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành cũng là gợi ý tốt: 100 g đậu nành luộc cung cấp 723mg threonine, đậu hũ là 785mg.
Trong top 10 món ăn, uống giàu threonine nhất còn có sữa với 144mg threonine trên 100g sữa tươi, trong khi đậu xanh cung cấp 201mg threoninine với cùng lượng tiêu thụ.
Các loại hải sản khác, đậu và hạt khác cũng như các sản phẩm từ sữa cùng chứa lượng threonine vừa phải.
- Sự thật về chuyện “Sống 200 tuổi còn đáng sợ hơn cái chết?”
- Nguyên nhân khiến con người không thể bất tử
- 6 cách để trở thành bất tử không thể tin nổi trong lịch sử loài người