× Image
Image
Chia sẻ

Một loài động vật tưởng chừng như đã biến mất hoàn toàn và tuyệt chủng từ hơn 60 năm trước đã bất ngờ xuất hiện trở lại, khiến nhiều nhà khoa học kinh ngạc.

Thú lông nhím mỏ dài Attenborough, hay còn có tên gọi thú lông nhím mỏ dài Sir David, là loài động vật được đặt theo tên của nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh David Attenborough. Đây là loài động vật có vú cỡ nhỏ thuộc họ thú lông nhím. Loài động vật này được phân bố trên đảo New Guinea và tỉnh Papua của Indonesia.

Đây là loài nhỏ nhất trong chi thú lông nhím mỏ dài, có cân nặng từ 5 đến 10kg, trong đó con đực lớn hơn con cái. Loài động vật này sở hữu chiếc mõm dài giống thú ăn kiến, với bộ lông sắc nhọn như loài nhím và móng vuốt như chuột chũi.

Thú lông nhím mỏ dài Attenborough
Hình ảnh thú lông nhím mỏ dài Attenborough được bẫy ảnh ghi lại trên núi Cyclops của Indonesia. (Ảnh: RT).

Thú lông nhím mỏ dài Attenborough sống đơn độc và chỉ tìm đến nhau trong mùa sinh sản vào tháng 7 hàng năm để giao phối.

Dù là thú, loài động vật này lại đẻ trứng, thay vì sinh con. Trứng sẽ nằm trong túi mẹ cho đến khi nở và con non sẽ tiếp tục nằm trong túi mẹ khoảng 8 tuần cho đến khi gai của chúng phát triển. Con non sẽ bú sữa từ những lỗ chân lông phía dưới bụng mẹ.

Sinh vật này sống về đêm và có thể cuộn tròn thành một quả bóng gai để tự vệ khi gặp nguy hiểm, khá giống với loài nhím. Thú lông nhím mỏ dài Attenborough sống trong hang và hoạt động về đêm, có bản tính rất nhút nhát, do vậy việc truy lùng dấu vết của loài vật này rất khó khăn. Chế độ ăn của loài động vật này bao gồm giun đất, mối, ấu trùng côn trùng và kiến.

Mẫu vật của loài thú lông nhím mỏ dài Attenborough được ghi nhận lần cuối cùng từ năm 1961 và từ đó đến nay không còn được ghi nhận mẫu vật nào khác, điều này khiến các nhà khoa học tin rằng loài động vật này đã tuyệt chủng.

Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học đã ghi lại được hình ảnh của loài động vật này xuất hiện trên dãy núi Cyclops, nằm ở phía tây thành phố Jayapura, tỉnh Papua (Indonesia).

Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) phối hợp cùng tổ chức bảo tồn động vật hoang dã YAPPENDA (Indonesia) đã lắp đặt các hệ thống bẫy ảnh để theo dõi các loài động vật hoang dã ở vùng hẻo lánh trên dãy núi Cyclops. Họ đã rất kinh ngạc khi camera đã ghi lại được hình ảnh của thú lông nhím mỏ dài Attenborough.

Nhà sinh vật học James Kempton thuộc đại học Oxford cho biết ông đã rất phấn khích với những gì mà hệ thống bẫy ảnh ghi lại được.

Video thú lông nhím mỏ dài Attenborough được bẫy ảnh ghi lại trong đêm tối.

Để tìm kiếm dấu vết của loài thú lông nhím mỏ dài Attenborough, nhóm nghiên cứu của James Kempton đã phải băng rừng và sống một thời gian dài trong ngôi làng trên núi, phải hứng chịu một trận động đất và nhiều thành viên trong đoàn bị mắc bệnh sốt rét.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với người dân địa phương, triển khai hơn 80 máy quay theo dõi. Họ còn leo lên nhiều ngọn núi với độ cao tổng cộng hơn 11.000 mét, cao hơn cả đỉnh Everest, chỉ để tìm kiếm loài vật đã biến mất hơn 60 năm này. Dù vậy, thành quả cuối cùng mà nhóm nhận được cũng hoàn toàn xứng đáng.

Sau đó, các hướng dẫn viên địa phương đã giúp các nhà khoa học dựng nên những phòng thí nghiệm tạm thời ngay trong rừng để phục vụ cho cuộc tìm kiếm. Nhưng sau 4 tuần trong rừng, họ vẫn không tìm thấy gì cả.

Thú lông nhím mỏ dài Attenborough đẻ trứng thay vì sinh con. 
Thú lông nhím mỏ dài Attenborough đẻ trứng thay vì sinh con.

Tuy nhiên, không ai ngờ được rằng đúng vào ngày cuối cùng của chuyến thám hiểm, khi xem lại những hình ảnh trong chiếc thẻ nhớ cuối cùng lấy ra từ 80 chiếc camera, họ phát hiện bóng dáng sinh vật nhỏ bé đang đi xuyên qua khu rừng rậm rạp. Những bức ảnh đầu tiên về thú lông nhím Attenborough sau đó đã được Giáo sư Kristofer Helgen, nhà nghiên cứu động vật có vú, nhà khoa học trưởng kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Bảo tàng Úc xác minh.

Tiến sĩ James Kempton, nhà sinh vật học đến từ Đại học Oxford, người đã lên ý tưởng và chỉ đạo chuyến thám hiểm, cho biết: “Khám phá này là kết quả của rất nhiều công sức và hơn 3 năm rưỡi lên kế hoạch. Mặc dù một số người có thể mô tả vùng núi Cyclops – nơi tìm thấy thú lông nhím mỏ dài Attenborough – là “địa ngục xanh”, nhưng tôi nghĩ quang cảnh ở đó thật kỳ diệu. Nơi đây vừa mê hoặc vừa nguy hiểm, giống như cảnh tượng trong truyện của nhà văn Tolkien vậy.”

Trong chuyến đi, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành những đánh giá toàn diện đầu tiên về động vật không xương sống, bò sát, lưỡng cư và động vật có vú trong khu vực Dãy núi Cyclops.

Chi thú lông nhím mỏ dài được ghi nhận bao gồm 5 loài, trong đó 2 loài đã tuyệt chủng. Với việc các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu tồn tại của loài thú lông nhím mỏ dài Attenborough sau hơn 60 năm sẽ làm thay đổi rất nhiều thông tin về chi động vật này.

David Attenborough (SN 1926) là một phát thanh viên và nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh. Ông đã có một sự nghiệp kéo dài hơn 60 năm trong lĩnh vực truyền hình và đã dẫn hàng loạt chương trình về lịch sử tự nhiên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Ông có giọng nói trầm ấm và ấm áp, cùng với kiến thức sâu rộng về thế giới tự nhiên, giúp ông trở thành một trong những người dẫn chương trình được yêu thích nhất trên thế giới.

Attenborough được coi là một trong những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất thế giới. Ông đã giúp nâng cao nhận thức của mọi người về thế giới tự nhiên và đã truyền cảm hứng cho nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Hiện ông vẫn rất tích cực trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường và các loài động vật hoang dã. Những đóng góp của Attenborough đã giúp ông nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Huân chương Hiệp sĩ (Knight Bachelor) của Hoàng gia Anh.

Avatar

By admin

Facebook: KienThucMoiNgay.Info

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *