Nhà vi sinh vật học người Tây Ban Nha Pilar Bosch tình cờ biết được vi khuẩn có thể được sử dụng trong việc phục chế tác phẩm nghệ thuật, lĩnh vực của mẹ bà.
Cùng lúc đó, mẹ của bà, Pilar Roig, đang xoay sở trong việc phục chế những bức tranh thế kỷ 18 của họa sĩ Antonio Palomino tại nhà thờ Santos Juanes, một trong những nhà thờ cổ nhất ở Valencia, thành phố lớn thứ ba của Tây Ban Nha.
Bà thấy đặc biệt khó khăn khi phải loại bỏ lớp keo còn sót lại trên các bức bích họa sau khi chúng được tách khỏi tường nhà thờ trong quá trình trùng tu vào những năm 1960.
“Mẹ tôi gặp phải một vấn đề rất khó giải quyết và tôi đã tìm thấy một bài báo về loại vi khuẩn được sử dụng để làm sạch các bức bích họa ở Ý”, Bosch, 42 tuổi, cho biết. Bà đã hoàn thành luận án tiến sĩ về dự án đó.
Pilar Bosch (phải) và mẹ Pilar Roig (giữa) cùng giám đốc dự án Jose Luis Regidor tại một bảo tàng ở Valencia, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters).
Và hơn một thập kỷ sau, hai mẹ con bà đã cùng nhau hợp tác trong một dự án trị giá 4 triệu euro, được tài trợ bởi các tổ chức địa phương, để sử dụng một số kỹ thuật nhằm phục hồi các tác phẩm nghệ thuật ở Valencia.
Nhà vi sinh vật học huấn luyện vi khuẩn bằng cách cho chúng ăn mẫu keo được làm từ collagen động vật. Sau đó, vi khuẩn tự nhiên sản xuất enzyme để phân hủy keo.
Họ trộn vi khuẩn với gel tảo tự nhiên và phết lên các bức tranh được gỡ khỏi tường vào những năm 1960, sau đó đóng đinh lại. Sau ba giờ, vi khuẩn phân hủy keo, lớp gel được loại bỏ, để lộ những bức tranh không dính keo.
Bà Roig, hiện 75 tuổi, người có cha, ông nội cùng những người họ hàng khác cũng làm việc trong lĩnh vực bảo tồn nghệ thuật, cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường làm việc theo cách thủ công rất kinh khủng, với nước ấm và miếng bọt biển, mất nhiều giờ đồng hồ và thậm chí làm hỏng bức tranh”.
Bosch cũng đã áp dụng việc sử dụng vi khuẩn vào các dự án phục hồi ở Pisa và Monte Cassino ở Ý, cũng như ở Santiago de Compostela ở miền bắc Tây Ban Nha. Hiện tại, bà đang đào tạo các nhóm vi khuẩn khác nhau để xóa lớp sơn graffiti trên những bức tường.
- Điểm danh những loại vi khuẩn cực có lợi cho con người
- Phục chế màu cho video 100 tuổi bằng AI
- Những thí nghiệm rùng rợn nhất trong lịch sử khoa học thế giới