× Image
Image
Chia sẻ

Lịch sử cho thấy con người đã có khả năng thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt, nhưng để đối phó với tương lai khí hậu nóng lên cần những giải pháp hợp tác và sáng tạo, nhất là trong nông nghiệp và quản lý nguồn nước, để đảm bảo sự sống còn của con người và hệ sinh thái.

Biến các đô thị thành nơi đáng sống giữa thời kỳ biến đổi khí hậu là bài toán khó đặt ra cho nhiều thành phố hiện đại. Các chuyên gia chỉ ra rằng, so với vùng nông thôn, thành phố dễ bị ảnh hưởng hơn khi nhiệt độ tăng cao. Hệ thống đường phố không thấm nước, cấu trúc xây dựng dày đặc, cùng màu sắc tối tạo điều kiện cho các đô thị hấp thụ nhiệt cả ngày và tỏa nhiệt vào ban đêm, gây ra hiện tượng “đảo nhiệt”. Tại Brussels, một nghiên cứu cho thấy vào mùa hè, nhiệt độ tại trung tâm thành phố trung bình cao hơn 3°C so với vùng nông thôn xung quanh. Thậm chí, vào ban đêm, chênh lệch nhiệt độ có thể lên tới 8-9°C khi hội tụ đủ điều kiện đặc biệt.

Các con phố ở thủ đô Brussels đều được quy hoạch các không gian xanh.
Các con phố ở thủ đô Brussels đều được quy hoạch các không gian xanh.

Trước thách thức này, các chuyên gia khẳng định cần phải “tái thiết kế” các thành phố từ gốc rễ – giảm thiểu vật liệu không thấm nước, tăng cường cây xanh và đất tự nhiên để giúp môi trường đô thị trở nên gần gũi hơn với khí hậu vùng nông thôn. Đây không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi tại khu vực Brussels, có đến 53% diện tích là không thấm nước, và tỷ lệ này ở khu trung tâm đạt tới 93%. Từ năm 1955 đến nay, diện tích không thấm nước tại đây đã tăng gấp đôi.

Để hình dung các đô thị trong tương lai có thể sẽ ra sao, phố Dries tại quận Forest là một ví dụ. Nằm trong khu dân cư kém phát triển, con phố đã được cải tạo toàn diện với diện mạo “rừng rậm đô thị” khác biệt so với các tuyến đường xung quanh. Thay vì các hố nhỏ cho cây trồng, nơi đây có những vườn mưa trải dài bằng một hoặc hai chỗ đỗ xe, được phủ đầy cây xanh đa dạng. Nước mưa có thời gian thấm vào đất thay vì thoát nhanh ra cống, từ đó bổ sung cho nguồn nước ngầm, đồng thời tạo môi trường lý tưởng cho cây cối phát triển. Cuối phố, một quảng trường nhỏ được phủ xanh hoàn toàn, với điểm nhấn là cây anh đào và đài phun nước, tạo nên cảm giác như con đường phải lách qua cây cối để mở lối đi.

Những vườn mưa đô thị không chỉ đơn thuần là cảnh quan xanh mà còn mang đến lợi ích kép cho môi trường và khí hậu. Khi mưa lớn, các vườn mưa giúp giữ lại nước, giảm tải cho hệ thống thoát nước vốn dễ quá tải. Vào những ngày nắng nóng, cây xanh trong vườn mưa còn giúp làm mát không khí bằng cách tạo bóng râm và thúc đẩy hiện tượng thoát hơi nước từ cây cối. “Cây xanh giống như một chiếc điều hòa tự nhiên”, kiến trúc sư đô thị Gery Leloutre, giảng viên tại Đại học Tự do Brussels (ULB), giải thích. Ông nói: “Khi bước vào rừng, ta có thể cảm nhận ngay sự mát mẻ. Điều chúng tôi muốn tái tạo ở đây chính là các ‘khu rừng mini’ trong lòng đô thị”.

Theo ông Leloutre, những thay đổi này không đòi hỏi đầu tư lớn, và đó chính là điểm đáng khích lệ. “Loại hình cải tạo này hoàn toàn nằm trong tầm tay về mặt tài chính của mọi địa phương. Chúng tôi chỉ cần bỏ đi khoảng mười chỗ đậu xe, đổi lại cư dân có được những lợi ích tích cực về khí hậu và xã hội”. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận việc giảm chỗ đậu xe. Không gian công cộng vốn có hạn, nên xung đột về nhu cầu sử dụng là khó tránh khỏi. Dù vậy, ông Leloutre cho rằng đây là con đường tất yếu:Nếu muốn làm mát thành phố, chúng ta phải giảm bớt bê tông hóa, tái cân bằng không gian công cộng”.

Ông Julien Ruelle, trưởng bộ phận phát triển tự nhiên của Sở Môi trường Brussels, cũng nhấn mạnh thành phố cần đưa ra những quyết định ưu tiên rõ ràng. “Các giải pháp phủ xanh chỉ có thể tạo ra tác động cục bộ. Để đạt hiệu quả rộng khắp, chúng ta cần nhân rộng mô hình này ở khắp các khu vực, tạo thành mạng lưới xanh và xanh dương – tức hệ sinh thái bao gồm các không gian xanh và nguồn nước liên kết”.

Vườn mưa, giải pháp hiệu quả cho môi trường và khí hậu.
Vườn mưa, giải pháp hiệu quả cho môi trường và khí hậu.

Khôi phục các dòng sông đô thị

Khôi phục những dòng sông đã bị lãng quên trở lại không gian công cộng không chỉ là hành động làm đẹp đô thị mà còn là cách chúng ta góp phần cải thiện môi trường và kết nối con người với thiên nhiên. Sông Senne ở Brussels là một ví dụ điển hình. Trước kia, dòng sông này chảy qua một vùng đất ngập nước trù phú, là lá phổi xanh của thành phố. Tuy nhiên, từ thế kỷ 18, để phục vụ cho quá trình đô thị hóa, con người đã dần dần “bóp nghẹt” sông Senne bằng cách lấp đầy các hồ, biến những dòng sông trong lành thành những con mương thoát nước ô nhiễm. Thêm vào đó, việc xây dựng các công trình giao thông như đường bộ, đường sắt đã chia cắt dòng chảy tự nhiên, khiến hệ sinh thái thủy văn bị phá vỡ hoàn toàn.

Hiện nay, một trong những dự án nổi bật của Brussels nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là việc mở lại một đoạn sông Senne dài 650 mét, từ Sainctelette đến bể Vergote (dự án Max-sur-Zenne). Dự án này không chỉ giúp phục hồi một dòng sông mà còn tạo liên kết giữa các khu vực tự nhiên, tăng cường khả năng phục hồi cho hệ sinh thái. Ông Julien Ruelle cho rằng các khu vực bị cô lập rất dễ bị tổn thương. Để thiên nhiên có thể mang lại lợi ích cho con người, cần phải giúp thiên nhiên phục hồi và chống chọi.

Vậy việc phục hồi các dòng sông này có tác động như thế nào đến nhiệt độ môi trường? Ông François Mayer, người phụ trách dự án tại Brussels Environnement, nhận định: Khi nước chảy, sẽ làm giảm nhiệt, nhưng tác động này chỉ mang tính cục bộ. Ngoài việc làm mát nhờ vào nước, hiệu ứng “hành lang” gió cũng đóng vai trò quan trọng. “Khu vực quanh kênh đào ở Brussels mát mẻ hơn các khu vực khác không phải vì nước, mà là nhờ vào các luồng gió mà khoảng không này tạo ra”, ông giải thích thêm.

Tuy nhiên, việc mở lại các con sông không hề dễ dàng, bởi sự phát triển đô thị khiến không gian dành cho các dòng sông ngày càng hạn chế. Dự án cũng đòi hỏi phải cải tạo khu vực xung quanh, làm tăng chi phí. Đây là một trong những thách thức mà dự án Max-sur-Zenne đang đối mặt, khi công viên Maximilien gần đó cũng cần phải được cải tạo hoàn toàn. Với tình trạng chi phí tăng cao và ngân sách hạn chế, dự án hiện đang được điều chỉnh lại.

Bên cạnh đó, mở lại các dòng sông còn phải đối mặt với vấn đề đảm bảo nguồn nước đầy đủ. Các dòng sông đã bị tách khỏi lưu vực tự nhiên, trong khi nước mưa hiện nay chảy thẳng vào hệ thống cống. Do đó, dòng chảy của sông thường rất yếu. Điều này đòi hỏi phải khôi phục lại các mối liên kết với các nguồn nước tự nhiên, điều này không chỉ đòi hỏi công sức mà còn đẩy mạnh các dự án cải tạo môi trường nước tại Brussels.

Đài phun nước, máy phun sương và hồ bơi công cộng

Trong nỗ lực làm mát không gian đô thị, các thiết bị như đài phun nước và máy phun sương đang được đưa vào sử dụng nhằm mang lại cảm giác mát mẻ tức thời. Khi những giọt nước tiếp xúc với không khí và ánh sáng mặt trời, chúng bay hơi nhanh chóng, tạo ra hiệu ứng làm mát đáng kể. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.

“Chúng yêu cầu bảo trì thường xuyên và gây ra lo ngại về việc tiêu thụ nước trong thời kỳ hạn hán”, ông Julien Ruelle cho biết. Theo ông, dù giải pháp này có thể phù hợp với các khu vực đô thị hóa cao, nhưng nó không giải quyết được vấn đề căn bản: “môi trường bị bê tông hóa. Các giải pháp hệ thống hơn, như phủ xanh đô thị, vẫn là ưu tiên”. Tuy nhiên, việc lắp đặt đài phun nước sử dụng nước uống lại giúp giải quyết một nhu cầu thiết yếu khác, đó là cung cấp điểm uống nước công cộng trong những đợt nắng nóng. Các quận như Ixelles và Schaerbeek ở Brussels đã đưa ra bản đồ các “hòn đảo mát mẻ” giúp người dân dễ dàng tìm thấy các điểm làm mát trong thành phố.

Bên cạnh đó, các thành phố cũng tập trung xây dựng các khu vực bơi lội công cộng để giúp người dân giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Tại Brussels, một bể bơi ngoài trời được mở vào mùa Hè ngay bên bờ kênh ở Anderlecht. Ngoài ra, một dự án cải tạo ao Neerpede tại Anderlecht thành khu vực bơi công cộng cũng đang được lên kế hoạch. Thích ứng với biến đổi khí hậu và làm mát đô thị là một quá trình cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.

Thủ đô Brussels có rất nhiều không gian xanh.
Thủ đô Brussels có rất nhiều không gian xanh.

Thích ứng khí hậu: Thách thức lâu dài cho con người và hệ sinh thái

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, nhà cổ khí hậu học Louis François từ Đại học Liège đã chia sẻ những hiểu biết về quá khứ khí hậu của Trái đất và những thách thức lớn cho tương lai. Ông cho biết, trong khoảng 10.000 năm trở lại đây, Trái đất chưa từng trải qua mức tăng nhiệt độ nào mạnh như hiện tại. Suốt thời kỳ gian băng, khí hậu ổn định đã tạo điều kiện cho các nền văn minh phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu nhìn về thời kỳ xa xưa hơn, đặc biệt là vài triệu năm trước, Trái đất từng nóng hơn và có những điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn.

Ông Louis François chỉ ra rằng, trong kỷ Pliocen, cách đây khoảng 4 đến 5 triệu năm, khí hậu Trái đất nóng hơn bây giờ – có phần tương đồng với các dự báo cho năm 2100. Thậm chí, thời kỳ Miocen, khoảng 15 triệu năm trước, châu Âu từng là nơi sinh sống của những cánh rừng cận nhiệt đới và các loài cá sấu. Các dự báo về khí hậu vào cuối thế kỷ này có khả năng đưa nhiệt độ trở lại mức độ như vậy, song hệ sinh thái sẽ không giống y nguyên vì nhiều điều kiện môi trường đã khác biệt.

Ông Louis François cho biết thêm sau thời kỳ băng hà cuối cùng khoảng 10.000 năm trước, khi nhiệt độ bắt đầu tăng, thảm thực vật châu Âu mất vài nghìn năm để phục hồi và tái định cư từ các khu vực phía Nam châu Âu. Mặc dù không phải là quá trình diễn ra nhanh chóng, nhưng với quy mô thời gian địa chất, sự hồi phục ấy diễn ra đủ nhanh để các hệ sinh thái tự cân bằng.

Liên quan đến ảnh hưởng của con người, Louis François giải thích từ thời kỳ đồ đá mới, khoảng 10.000 năm trước, con người đã bắt đầu tác động đến khí hậu qua các hoạt động nông nghiệp. Chặt phá rừng diện rộng đã làm thay đổi khí hậu địa phương và có thể ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, thậm chí làm chậm lại đà suy giảm CO₂ tự nhiên từ 8.000 năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng nhiệt hiện nay được ghi nhận mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp vào khoảng năm 1800.

Nhìn về tương lai, ông François cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ là thách thức lớn nhất cho con người và hệ sinh thái. Dù nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo sẽ chỉ tăng vài độ C vào năm 2100, nhưng các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt và hạn hán đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Tốc độ tăng nhiệt ở các khu vực vĩ độ cao nhanh hơn so với vùng nhiệt đới, khiến tình trạng khô hạn thêm nặng nề ở nhiều nơi.

Ông cũng nhấn mạnh quá khứ dạy cho chúng ta những bài học quý giá về khả năng thích nghi của Trái đất trước các biến động khí hậu. Tuy nhiên, ông cảnh báo tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay là chưa từng có, đòi hỏi các nỗ lực thích nghi nhanh chóng từ hệ sinh thái. Lịch sử cho thấy con người đã có khả năng thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt, nhưng để đối phó với tương lai khí hậu nóng lên, ông Louis François cho rằng cần những giải pháp hợp tác và sáng tạo, nhất là trong nông nghiệp và quản lý nguồn nước, để đảm bảo sự sống còn của con người và hệ sinh thái.

Avatar

By admin

Facebook: KienThucMoiNgay.Info

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *