Những vật thể lạ lùng mà kính viễn vọng không gian James Webb vừa ghi nhận được có thể tiết lộ những bí mật mới của vũ trụ sơ khai.
Theo Live Science, các nhà thiên văn học sử dụng Kính viễn vọng không gian James Webb đã nhìn qua hàng rào phía sau của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) và phát hiện ra dường như có những vật thể lạ lùng đang lang thang giữa các ngôi sao trẻ.
Khi phóng to cụm sao trẻ NGC 602 trong Đám mây Magellan Nhỏ, một trong các thiên hà vệ tinh của Ngân Hà, họ đã tìm ra bằng chứng về các sao lùn nâu.
Đây là lần đầu tiên dạng vật thể “lai” này được phát hiện bên ngoài Ngân Hà.
Cụm sao trẻ NGC 602, nơi hàng chục vật thể lơ lửng giữa trạng thái sao và hành tinh vừa được khám phá – (Ảnh: NASA/ESA/CSA).
Sao lùn nâu đã được biết đến khá lâu nhưng vẫn khiến các nhà khoa học bối rối.
Chúng là những vật thể kỳ lạ vượt xa giới hạn kích thước của hành tinh nhưng không đủ lớn để duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân như sao. Chúng cũng tập hợp vô số đặc điểm khác “lơ lửng” giữa trạng thái sao và hành tinh.
Một trong những bí ẩn hàng đầu là chúng ra đời như thế nào, như sao hay như hành tinh. Các nhà khoa học thường ủng hộ giả thuyết chúng hình thành như sao.
Nhà khoa học từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Peter Zeidler, tác giả chính của nghiên cứu mới về các vật thể này, cho biết những gì quan sát được bên trong NGC 602 phù hợp với giả thuyết đó.
“Các sao lùn nâu dường như hình thành theo cùng cách như các ngôi sao, chúng chỉ không thu thập đủ khối lượng để trở thành một ngôi sao hoàn chỉnh” – TS Zeidler nói.
Tổng cộng 64 sao lùn nâu đã được phát hiện trong NGC 602, có khối lượng gấp 50-84 lần khối lượng sao Mộc.
Nghiên cứu sâu hơn về nhóm sao thất bại ngoài thiên hà này có thể giúp làm rõ lý do tại sao rất nhiều “ngôi sao” dường như không bốc cháy.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu, những vật thể kỳ lạ này cũng có thể tiết lộ những hiểu biết mới về vũ trụ sơ khai.
NGC 602 là một cụm sao trẻ mới 3 triệu tuổi, với môi trường bên trong chủ yếu là hydro và heli, mật độ các nguyên tố nặng hơn rất ít.
Nói cách khác, nó gần như mô phỏng lại môi trường vũ trụ sơ khai, vốn chưa được các thế hệ sao làm giàu về mặt hóa học.
Vì vậy, theo đồng tác giả Elena Sabbi từ NOIRLab của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, việc nghiên cứu các sao lùn nâu trẻ được hình thành trong NGC 602 sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản chất các vật thể đầu tiên ra đời trong vũ trụ sơ khai.
- Đây là 7 hang ổ tiềm năng nhất người ngoài hành tinh có thể đang trú ngụ
- Những hiện tượng kỳ lạ chỉ có thể thấy trong vũ trụ
- Phát hiện bí mật sự sống trong sao lùn nâu