Dữ liệu mới mà tàu NASA thu thập được có thể giúp các cơ quan vũ trụ tiến gần hơn đến việc thành lập căn cứ ngoài Trái Đất đầu tiên.
Theo Sci-News, tàu NASA mang tên Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) đã tìm thấy các mỏ băng lớn hơn những gì các nhà khoa học từng tưởng tượng ở “vùng bóng tối vĩnh viễn” quanh cực Nam Mặt trăng.
Hình ảnh do tàu NASA ghi nhận cho thấy nhiều vùng bóng tối vĩnh viễn được đánh dấu bằng màu xanh – (Ảnh: NASA)
Các vùng bóng tối vĩnh viễn (PSR) thường xuất hiện ở các vùng trũng địa hình gần các cực của Mặt trăng, là nơi ánh Mặt Trời không bao giờ có thể chiếu tới.
Vì vậy, chúng lạnh giá suốt hàng tỉ năm qua và chính điều đó đã giúp bảo quản các phân tử băng nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ, tích tụ thành các mỏ lớn.
TS Timothy McClanahan, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, cho biết mô hình và phân tích của họ cho thấy nồng độ băng lớn nhất dự kiến sẽ xuất hiện gần các vị trí lạnh nhất của PSR, nơi nhiệt độ xuống tới -198 độ C.
Đó là các sườn dốc tăm tối xuôi về phía cực Nam.
Họ không thể xác định chính xác khối lượng các mỏ băng PSR hoặc xác định liệu chúng có bị chôn vùi dưới lớp đất đá khô hay không, tuy nhiên tính ra được rằng có tới 5 lít băng được chứa đựng trong mỗi 1 m3 trầm tích gần bề mặt.
Đây chỉ mới là phát hiện ban đầu.
Con tàu NASA mang tên LRO có mang theo Máy dò neutron thám hiểm Mặt trăng (LEND), công cụ đã giúp các nhà khoa học xác định các mỏ băng này và sẽ tiếp tục giúp họ tìm hiểu sâu hơn về tính chất của những gì ẩn mình bên dưới bề mặt tại các vùng bóng tối.
Việc xác định được các mỏ băng lớn là tin vui cho NASA cũng như nhiều cơ quan vũ trụ khác trên thế giới.
Từ lâu, nhiều cơ quan vũ trụ đã mong muốn thành lập căn cứ ngoài Trái đất đầu tiên ở Mặt trăng, nơi mà lượng nước tại chỗ – từ các mỏ băng – sẽ đóng vai trò nguồn sống lẫn góp phần tạo nên nhiên liệu cho các tàu vũ trụ và thiết bị khác.
- Robot Ấn Độ phát hiện nhiều nguyên tố ở cực nam Mặt trăng
- Bức ảnh kinh ngạc về cực Nam Mặt trăng: “Hố địa ngục” -183 độ hiện lên rõ ràng
- Vì sao các nước lớn đua nhau thám hiểm Mặt trăng?