Các kỹ sư NASA tắt một trong những thiết bị khoa học quan trọng của tàu Voyager 2 nhằm kéo dài tuổi thọ của tàu trong tình hình nguồn điện cạn dần.
Tàu Voyager 2 phóng vào vũ trụ ngày 20/8/1977 và rời khỏi Hệ Mặt trời vào ngày 5/11/2018. Hiện nay, con tàu đang ở cách Trái đất 20,5 tỷ km và sử dụng 4 thiết bị khoa học để nghiên cứu không gian bên ngoài nhật quyển, bong bóng các hạt mang điện tích và từ trường bao quanh Hệ Mặt trời. NASA cho rằng tàu Voyager 2 có đủ điện để duy trì hoạt động một thiết bị khoa học cho tới thập niên 2030, nhưng điều đó đòi hỏi lựa chọn những thiết bị khác cần tắt đi.
Mô phỏng tàu Voyager 2 tiến vào không gian liên sao.
Nhóm chuyên gia nhiệm vụ tìm cách trì hoãn việc tắt thiết bị trước đây do Voyager 1 và Voyager 2 là hai tàu thăm dò duy nhất hoạt động ở không gian liên sao, khiến bất kỳ dữ liệu nào mà chúng thu thập rất quý giá. Tính đến nay, 6 trong số 10 thiết bị ban đầu của tàu vũ trụ đã ngừng hoạt động. Hiện nay, tắt thiết bị thứ 7 là điều không thể tránh khỏi và lần này đến lượt thiết bị khoa học plasma của tàu. Hôm 26/9, các kỹ sư gửi lệnh tắt thiết bị.
Thiết bị khoa học plasma bao gồm 4 cốc thu thập thông tin về lượng plasma, dòng hạt tích điện, di chuyển qua tàu Voyager 2 và hướng của nó. Ba cốc có góc hướng về phía Mặt trời, theo dõi hạt tích điện trong gió Mặt trời khi ở trong nhật quyển. Cốc thứ tư quay về hướng khác, quan sát plasma trong từ trường hành tinh và không gian liên sao. Thiết bị giữ vai trò chủ chốt trong phát hiện sự sụt giảm lượng hạt tích điện từ Mặt trời, chứng tỏ tàu Voyager 2 đã bay qua ranh giới giữa nhật quyển và không gian liên sao năm 2018.
“Những kỹ sư làm việc trong nhiệm vụ luôn theo dõi cẩn thận thay đổi đối với hoạt động của tàu vũ trụ 47 năm tuổi để đảm bảo chúng không tạo ra bất kỳ tác động phụ ngoài ý muốn nào”, đại diện của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA chia sẻ. “Cả đội xác nhận lệnh tắt thiết bị được xử lý mà không có sự cố và tàu thăm dò hoạt động bình thường”.
Sự hữu dụng của thiết bị khoa học plasma bị hạn chế bởi ba cốc hướng về phía Mặt trời ngừng thu thập plasma sau khi rời nhật quyển và vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của gió Mặt trời. Ngoài ra, do hướng của tàu Voyager 2, dữ liệu thu thập trong vài năm qua cũng hạn chế hơn. Một cốc còn hoạt động chỉ cung cấp dữ liệu hữu ích ba tháng một lần, khi tàu vũ trụ xoay 360 độ quanh trục. Điều này dẫn tới quyết định tắt thiết bị plasma để giữ gìn điện thay vì tắt các thiết bị khác.
Cả tàu Voyager 1 và Voyager 2 đều hoạt động nhờ plutonium phân rã và mất khoảng 4 watt điện mỗi năm. Vào thập niên 1980, một số thiết bị của chúng bị tắt sau khi hai tàu vũ trụ hoàn thành thám hiểm những hành tinh khổng lồ trong hệ. Điều đó giúp tăng thêm điện cho bộ đôi tàu thăm dò, kéo dài tuổi thọ của chúng. Cách đây vài năm, hai tàu cũng tắt tất cả thiết bị không cần thiết. Thiết bị plasma của tàu Voyager 1 ngừng hoạt động năm 1980 và được tắt đi vào năm 2007.
Các kỹ sư NASA đang theo dõi chặt chẽ nguồn điện của Voyager 2 để có thể quyết định tắt thiết bị khoa học nào tiếp theo nhằm đảm bảo tàu thăm dò liên sao có thể cung cấp dữ liệu khoa học lâu hết mức có thể.
- Mất bao lâu để đến được hệ sao khác ngoài Hệ Mặt trời?
- NASA liên lạc lại được với tàu vũ trụ 44 năm tuổi
- Lý do rìa Hệ Mặt trời được gọi là “Bức tường lửa”