Đối với tất cả mọi người, cuộc sống sau cái chết luôn là một vấn đề huyền bí và không người sống nào chứng minh được.
Cái chết luôn là một trong những chủ đề “nóng”, bởi xung quanh nó vẫn ẩn chứa bí ẩn và gây nhiều tranh cãi.
Đó có thể là thắc mắc về việc, sau khi chết con người có thể cảm nhận mọi thứ xung quanh trong một vài phút trước khi… tắt lịm không? Hay “ánh sáng cuối đường hầm” mà mọi người vẫn mô tả về cái chết thực sự như thế nào?
Những câu hỏi này chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số phát hiện đầy bất ngờ khác về cái chết – quy luật bất di bất dịch của tạo hóa.
1. Xác chết phân hủy thực chất có mùi khá… ngọt ngào
Như mọi người đã biết, thịt người và động vật trong quá trình phân hủy sẽ bốc ra một mùi hôi, rất khó ngửi.
Thực chất, mùi phân hủy này lại là một hợp chất rất phức tạp, được trộn lẫn từ hơn 400 chất hóa học dễ bay hơi khác nhau.
Mùi phân hủy là một hợp chất rất phức tạp.
Theo những nghiên cứu mới nhất, trong số những hợp chất có trong mùi thối bốc ra từ xác chết còn bao gồm 5 loại este – một loại hợp chất hữu cơ có mùi thơm ngọt dễ chịu. 5 loại este này bao gồm 3-methylbutyl pentanoate, 3-methylbutyl 3-methylbutyrate, 3-methylbutyl 2-methylbutyrate, butyl pentanoate và propyl hexanoate.
Xác chết có mùi thơm, và mùi này chỉ có ở xác người thôi.
Đặc biệt, 5 loại este này chỉ có thể có ở xác chết của người và không có ở xác những loài động vật khác. Ngoài ra, những loại este này cũng có thể được sinh ra từ thực vật và trái cây khi bị thối rữa.
Một điều thú vị là đối với người làm nghề tiếp xúc nhiều với xác chết ví dụ như giám định pháp y hay người làm dịch vụ tang lễ thì xác chết sẽ có một mùi “ngọt dịu” chứ không hôi thối như những người bình thường cảm thấy.
2. Tóc, móng chân móng tay mọc dài ra sau khi chết là… hư cấu
Có nhiều thông tin cho rằng tóc, móng chân và móng tay của con người sẽ tiếp tục dài ra sau khi cơ thể đã chết. Điều này là vô cùng… hư cấu vì sau khi chết, việc trao đổi chất sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức và do đó không có bất cứ bộ phận nào trên cơ thể tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự thật là khi quan sát những xác chết sau một thời gian, ta có thể thấy tóc và móng chân, móng tay của họ… dài ra thật.
Lông tóc vẫn mọc sau khi chết?
Tại sao vậy? Các khoa học gia lý giải đó là do cơ thể bị mất nước khiến những bộ phận khác co lại, còn tóc và móng chân, móng tay trông sẽ dài hơn trước.
3. Con người sẽ chết nếu telomere – nguyên nhân của sự lão hóa biến mất
Trong thời kỳ đầu của học thuyết tế bào, nhiều người cho rằng tế bào bên trong con người là bất tử, và có thể tự sao chép cho tới khi con người chấm dứt sự sống.
Thế nhưng đến năm 1961, ý kiến trên đã bị gạt bỏ hoàn toàn khi các khoa học gia chứng minh được rằng sự phân chia của tế bào có giới hạn. Một tế bào sẽ “ngỏm” sau khi phân chia khoảng 50-70 lần.
Các telomere (phần màu đỏ).
Đến đầu thập niên 70, các nhà khoa học tìm ra telomere – là những trình tự lặp lại ADN tại các đầu mút của nhiễm sắc thể. Telomere có vai trò bảo vệ các nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào, giữ cho các nhiễm sắc thể không dính vào nhau.
Nhưng phải đến năm 2012, các khoa học gia mới đưa ra được bằng chứng về việc telomere có liên quan đến quá trình lão hóa. Cụ thể, telomere sẽ bị ngắn lại sau mỗi lần tế bào tự phân chia. Khi telomere ngắn đến mức cực đại, việc phân chia sẽ chấm dứt và khi đó 1 tế bào sẽ “qua đời”.
Việc đo được chiều dài của telomere trong tế bào sẽ giúp dự đoán tuổi thọ của con người.
Nếu một người sở hữu các telomere trong từng tế bào có độ dài lớn, việc phân chia tế bào sẽ diễn ra lâu dài hơn, giúp người đó sống lâu hơn. Do đó, việc đo được chiều dài của telomere trong tế bào sẽ giúp dự đoán tuổi thọ của con người.
4. Càng trẻ, chúng ta càng sợ chết
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những người ở độ tuổi 40 – 50 thường lo ngại về cái chết hơn những người từ 60 – 70 tuổi. Một nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự đối với những người ở độ tuổi trung niên và thiếu niên (18-25 tuổi).
Người ở độ tuổi 40 – 50 thường lo ngại về cái chết hơn những người từ 60 – 70 tuổi.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng trung bình ở nam giới nỗi lo lắng về cái chết sẽ đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 20 và sẽ giảm dần theo thời gian.
Nỗi lo này đối với nam giới ở tuổi 60 sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Với nữ giới, khoảng 40-50 tuổi là mốc thời gian mà phụ nữ sẽ bớt lo lắng về chuyện này.
Chúng tôi không sợ chết.
Đây thực sự là một kết quả khá bất ngờ khi những người trong độ tuổi thanh xuân nhất thì lại lo lắng về chuyện “tạm biệt trần gian” hơn những người trong độ tuổi “gần đất xa trời”.
Nhưng nếu xét về góc độ tâm lý, những người trẻ còn cả một tương lai phía trước nên họ có xu hướng “sợ chết” hơn người già.
5. 3 ngày sau khi một người chết đi, enzyme từ bữa ăn cuối cùng của họ sẽ bắt đầu tiêu hóa thi thể của họ.
6. Dựa trên dữ liệu lịch sử, tập tục chôn người chết có từ 350.000 năm trước.
7. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, khoảng 117 tỷ người đã qua đời kể từ khởi đầu của nhân loại.
8. Vào ngày bạn ra đời, có khoảng 153.000 người qua đời.
9. Thính giác là giác quan cuối cùng mất đi khi chúng ta chết.
10. Đỉnh Everest có 200 thi thể trải dọc theo những con đường mòn được sử dụng làm điểm tham chiếu cho những người leo núi.
11. Nguy cơ tử vong vì trượt chân trong nhà tắm hoặc bị sét đánh cao hơn nguy cơ thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố.
12. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ít tập thể dục là một trong những nguyên nhân tử vong có thể ngăn ngừa nhất trên thế giới.
13. Ở Amsterdam, Hà Lan, khi một người qua đời mà không có bạn đồng hành hoặc người thân đến dự đám tang, nhà thơ được giao nhiệm vụ sáng tác và làm một bài thơ ngắn trong buổi lễ.
14. Từ Kodokushi trong tiếng Nhật được dùng để chỉ những người chết một mình trong nhà và chỉ được tìm thấy sau một thời gian dài.
15. Hội chứng Cotard (hoặc ảo tưởng Cotard) là một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp mà bệnh nhân có ảo tưởng rằng mình “thật sự” đã chết.
- Những cái chết đáng sợ nhất thế giới
- 10 điều lạ lùng không thể giải thích bằng khoa học
- Con người có thể linh cảm trước cái chết?