Tại Mỹ, cơ quan duy nhất có chức năng thiết kế và in tiền giấy Mỹ là BEP.
Thông tin trên website của Cục Khắc và In ấn Mỹ (BEP) – thuộc Bộ tài chính Mỹ, cơ quan duy nhất có chức năng thiết kế và in tiền giấy của Mỹ – cho hay, sản xuất tiền tệ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng hay đơn giản, mà đòi hỏi sự chính xác, tay nghề cao cùng kỹ nghệ điêu luyện của nghệ nhân cộng với thiết bị chuyên dụng và sự kết hợp giữa các kỹ thuật in ấn truyền thống cùng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Từ năm 1862, BEP được giao nhiệm vụ sản xuất tiền tệ (tiền giấy) của Mỹ. Tất cả tiền tệ của Mỹ đều được in tại cơ sở của BEP ở thủ đô Washington, D.C. và tại thành phố Fort Worth, bang Texas. Ngoài việc sản xuất tiền giấy cho quốc gia, BEP còn in nhiều loại tài liệu an ninh của chính phủ Mỹ.
BEP không sản xuất tiền kim loại; tất cả tiền đúc đều được làm bởi Sở đúc tiền Mỹ – United States Mint (thuộc Bộ Tài chính Mỹ).
Vậy đâu là những bí mật trong lĩnh vực thiết kế và in tiền giấy Mỹ của BEP khiến việc làm giả trở nên rất khó khăn?
Thứ nhất: Thiết kế và khắc
Cục Khắc và In ấn Mỹ (BEP) kết hợp chặt chẽ và bí mật với thợ khắc chuyên nghiệp, những người sử dụng sự kết hợp giữa các kỹ thuật truyền thống và hiện đại để khắc chân dung ở mặt trước, họa tiết ở mặt sau của tờ tiền, hình trang trí và chữ viết. Mỗi bản khắc bao gồm nhiều đường nét, chấm và gạch ngang chi tiết có kích thước và hình dạng khác nhau.
Chân dung một số Tổng thống, chính trị gia, chuyên gia tại chính nổi tiếng của Mỹ trên tờ tiền giấy.
Rất nhiều Tổng thống, chuyên gia tài chính, chính trị gia nổi tiếng Mỹ trở nên sống động trên tờ tiền giấy Mỹ. Tất cả là nhờ vào nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời và kỹ năng điêu luyện của người thợ khắc đã thổi hồn vào các bức chân dung trên tờ tiền giấy Mỹ.
Những hình chạm khắc tinh xảo mà chúng ta thấy hàng ngày trên tiền giấy Mỹ được khắc thành một mạng lưới các đường nét và rãnh tinh xảo trên khuôn thép. Sau khi kiểm tra cẩn thận và sửa chữa nhỏ nếu cần, các tấm này được làm sạch và đánh bóng. Tấm khắc được mạ crôm để tăng độ cứng và sau đó được dùng để đưa vào máy in.
Thứ hai: Mực và giấy
Theo BEP, tất cả các tờ tiền, bất kể mệnh giá nào, đều sử dụng mực xanh lá cây ở mặt sau. Mặt trước, mặt sau sử dụng sự kết hợp của mực đen, mực đổi màu ở góc dưới bên phải cho các mệnh giá 10 đô la trở lên và mực ánh kim (metallic ink) cho các biểu tượng tự do trên các tờ 10 đô la, 20 đô la và 50 đô la. Biểu tượng tự do “chuông trong lọ mực” của tờ 100 đô la sử dụng mực đổi màu.
Các chuyên gia đánh giá, mực đổi màu là kỹ thuật sử “công nghệ cao” nhất do đó có tính bảo mật nhất, khó làm giả. Sự thay đổi màu sắc là kết quả của các mảnh kim loại nhiều lớp được thêm vào mực. Khi nghiêng tờ tiền, ánh sáng phản chiếu từ các mảnh này ở các bước sóng khác nhau khiến màu sắc cũng thay đổi. Ví dụ ở tờ 100 đô la Mỹ, khi nghiêng tờ tiền để xem số 100 ở góc dưới bên phải, màu tại số 100 sẽ đổi từ màu đồng sang màu xanh lá cây.
Những loại mực đổi màu này và các loại mực khác xuất hiện trên tiền tệ Mỹ được BEP pha trộn đặc biệt, hoàn toàn bí mật và chỉ được bán độc quyền cho Chính phủ Mỹ nên Bộ Tài chính nước này hy vọng rằng đây sẽ là một tính năng cực kỳ khó làm giả.
Chưa kể, mực dành cho máy in BEP phải trải qua quá trình kiểm tra chất lượng liên tục. Do đó, việc làm giả tiền “y như thật” trở nên vô cùng thách thức.
Chất nền của tờ tiền giấy Mỹ được làm từ 25% vải lanh và 75% cotton. (Ảnh: Uscurrency.gov).
Một từ hoa mỹ để chỉ giấy trong ngành tiền tệ là chất nền (substrate). Giấy in tiền của Mỹ được làm từ 25% vải lanh và 75% cotton, với các sợi màu đỏ và xanh được phân bố ngẫu nhiên khắp nơi để làm cho việc làm giả tiền trở nên khó khăn hơn.
Giấy làm tiền Mỹ được sản xuất riêng cho BEP, do Công ty Crane and Co. (có trụ sở tại Dalton, bang Massachusetts, Mỹ) cung cấp. Crane and Co. đã cung cấp giấy đặc biệt này cho BEP kể từ năm 1879. Bất kỳ ai ngoài BEP sở hữu loại giấy này đều là bất hợp pháp.
US Currency (Mỹ) cho biết, tiền giấy có cảm giác độc đáo và cực kỳ bền. Độ bền đến từ nguyên liệu thô được tinh chế liên tục cho đến khi đạt được “cảm giác đặc biệt của tờ tiền”. Những người thường xuyên xử lý tiền, chẳng hạn như nhân viên ngân hàng, có thể dễ dàng xác định bước đầu xem một tờ tiền giấy có phải là tiền giả hay không thông qua cảm giác đặc biệt này.
Để kiểm tra tiền giả-tiền thật (trước khi dùng máy soi tiền giả), nhân viên ngân hàng thường di chuyển ngón tay trên tờ tiền. Cảm nhận tiền thật là nó sẽ hơi thô khi chạm vào vì hình in nổi và thành phần độc đáo của giấy – đến từ sự pha trộn của 75% cotton và 25% vải lanh.
Thứ ba: In offset
In tiền được xây dựng trên nguyên tắc phân lớp từng quy trình in trên chất nền. Mỗi công nghệ in đều có kỹ thuật riêng biệt về cách mực đổi màu, các loại mực được sử dụng và cách mực nằm trên chất nền, do đó tạo nên tính bảo mật cao nhất cho tiền tệ thông qua từng bước sản xuất.
Bước đầu tiên là thêm màu thông qua in offset (Offset printing là một kỹ thuật in sử dụng lực ép các tấm offset (tấm cao su dùng trong in ấn) để in lên giấy. Để thực hiện điều này, BEP dùng ba máy in offset tại Washington, D.C. và bốn máy in tại bang Texas của BEP.
Trên máy in này, mặt trước và mặt sau của tờ tiền được in cùng lúc. Tất cả các mệnh giá, ngoại trừ tờ 1 đô la và 2 đô la, đều được in offset trước, trong đó hình ảnh nền chi tiết sử dụng màu sắc độc đáo được pha trộn với nhau khi chúng được thêm vào các tờ tiền “trống” (chưa có họa tiết).
Sau đó, màu nền được in bằng máy in hiện đại, tốc độ cao. Những cỗ máy in khổng lồ này dài hơn 15 mét và nặng hơn 70 tấn, có khả năng đạt tốc độ in 10.000 tờ mỗi giờ.
Một trong những kỹ thuật in tiền giấy của BEP. (Ảnh: Cục Khắc và In ấn Mỹ (BEP)).
Thứ tư: In khắc lõm
In khắc lõm (Intaglio printing) là lớp tiếp theo của quy trình in cho các mệnh giá được in offset và là giai đoạn in đầu tiên cho các tờ tiền 1 đô la và 2 đô la. Intaglio bao gồm một nhóm kỹ thuật in. Bước thứ nhất, hình ảnh được khắc vào một bề mặt tạo thành các đường lõm, tiếp theo các đường nét này được phủ và giữ lớp mực in.
Ở đây, mực được bôi lên tấm khắc. Mực thừa được loại bỏ khỏi vùng không có hình ảnh của tấm khắc, do đó chỉ để lại mực ở các vùng lõm được khắc. Sau đó, tờ tiền được trải lên trên tấm khắc và hai phần này được ép lại với nhau dưới áp suất cực lớn. Kết quả là, mực từ tấm khắc được in lên giấy, tạo ra hình ảnh hoàn thiện hơi nổi. Khi khô, sờ thấy giống như giấy nhám mịn (mang lại “cảm giác đặc biệt của tờ tiền” như đã trình bày ở trên).
Máy in khắc lõm của BEP sở hữu công nghệ mới nhất để đảm bảo chất lượng và độ an toàn cao nhất cho tiền tệ Mỹ. Mỗi máy in nặng 57 tấn và in với áp suất lên đến 20 tấn. Các cỗ máy in này có thể in với tốc độ 10.000 tờ một giờ.
Thứ năm: In letterpress
Lớp in thứ ba và cuối cùng của tiền tệ Mỹ là in letterpress. Kỹ thuật in này được kết hợp giữa in dập chìm và phun màu.
Trong quá trình này, máy in sẽ in vào 2 mặt tờ tiền 16 chủ đề và in hai số sê-ri màu xanh lá cây, con dấu màu đen của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), con dấu màu xanh lá cây của Bộ Tài chính Mỹ và các số nhận dạng tương ứng của Cục Dự trữ Liên bang.
Tất cả các thông tin này được Cục Khắc và In ấn Mỹ (BEP) công bố trên website chính thức của mình. US Currency (Mỹ) cung cấp một số fact thú vị về tiền giấy Mỹ:
- Tiền giấy Mỹ sẽ có sợi tổng hợp nhỏ màu đỏ và xanh lam với nhiều độ dài khác nhau được phân bổ đều trên toàn bộ tờ giấy.
- Bất kể mệnh giá nào, một tờ tiền giấy Mỹ nặng khoảng 1 gram.
- Một chồng tiền giấy Mỹ cao một dặm (1,6 km) sẽ chứa hơn 14,5 triệu tờ tiền giấy.
- Người ta ước tính rằng, khoảng một nửa đến hai phần ba giá trị của tất cả tiền giấy Mỹ đang lưu hành là ở bên ngoài nước Mỹ.
Cách phân biệt thật – giả tiền giấy 100 đôla mới
11 sự thật thú vị ít biết về tờ 100 Đô la Mỹ
Bí mật trong việc sản xuất đồng đô la Mỹ