Không chỉ sản xuất lượng lớn hydro, máy điện phân nước kiềm lớn nhất thế giới còn rất hiệu quả khi dùng chưa đến 43,09 kWh điện mỗi kg.
Tập đoàn Trung Quốc Shuangliang thông báo, họ đã hoàn thành cỗ máy sản xuất hydro mới với khả năng xử lý 5.000 mét khối chuẩn mỗi giờ (Nm3/h), Interesting Engineering hôm 22/10 đưa tin. Shuangliang cho biết, đây là máy điện phân nước kiềm lớn nhất thế giới.
Máy điện phân nước kiềm mới. (Ảnh: Shuangliang).
1 Nm3/h tương đương khoảng 0,09kg. Điều này đồng nghĩa, cỗ máy mới sẽ có thể sản xuất khoảng 450kg hydro mỗi giờ và sử dụng chưa đến 43,09 kWh điện mỗi kg. Nếu đúng, đây sẽ là cỗ máy lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới thuộc loại này.
Một ví dụ khác trên thế giới là máy điện phân kiềm áp suất của công ty Đức Nordex SE đặt tại Tây Ban Nha. Nó có khả năng sản xuất khoảng 10 kg hydro mỗi giờ, tiêu thụ ít hơn 50 kWh điện mỗi kg.
Máy điện phân kiềm như thiết bị mới của Shuangliang hoạt động bằng cách kết hợp những chất điện phân lỏng nồng độ cao, như kali hoặc natri hydroxide, với màng vô cơ xốp và các điện cực đặc biệt. Chất điện phân sau đó được đưa qua giữa các điện cực và phân tách thành nhiều khí khác nhau.
Tiếp theo, một dòng điện sẽ đi qua chất điện phân, tách nước thành oxy và hydro. Hydro sau đó có thể được lấy ra, sẵn sàng để lưu trữ và sử dụng. Công nghệ này lý tưởng cho sản xuất hydro quy mô lớn với chi phí tương đối thấp.
Hydro có thể dùng trực tiếp làm nhiên liệu hoặc cho các ứng dụng công nghiệp khác. Toàn bộ quá trình được thực hiện bằng công nghệ tái tạo, không trực tiếp thải ra CO2. Hydro cũng có thể phục vụ cho công nghệ pin nhiên liệu, một lĩnh vực đang phát triển trong giao thông vận tải và sản xuất năng lượng. Đây cũng là nguyên vật liệu quan trọng trong ngành công nghiệp hóa chất để sản xuất các sản phẩm như amoniac.
- Na Uy sắp ra mắt máy điện phân lớn nhất thế giới
- Cỗ máy sản xuất 10kg hydro mỗi giờ bằng điện sạch
- Dòng nước lũ đen sì khét lẹt xuất hiện ở Mỹ và cảnh báo đáng sợ từ giới khoa học