Biệt phủ nhà họ Vương nằm cách huyện Linh Thạch, Tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc khoảng 12km về phía Đông, được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp 4A quốc gia. Biệt phủ đã tồn tại từ thời nhà Minh (1368-1644), mất hơn 300 năm, trải qua nhiều thế hệ gia tộc mới có thể hoàn thiện.
Vương phủ có tổng diện tích xây dựng của các tòa nhà lên tới 250.000 mét vuông, diện tích đất được tận dụng một cách triệt để, các tòa nhà được bố trí dày đặc, san sát nhau, tạo nên cảm giác hoành tráng khi nhìn từ trên cao.
So sánh với cung điện Tử Cấm Thành tọa lạc tại Bắc Kinh, Vương phủ còn có diện tích xây dựng lớn hơn khi tổng diện tích sàn của các tòa nhà tại Cố Cung chỉ có 150.000 mét vuông, dù tổng diện tích đất là 720.000 mét vuông. Theo Sohu, Vương phủ hiện đang là biệt phủ có diện tích lớn nhất Trung Quốc.
Các tòa nhà được bố trí dày đặc bên trong biệt phủ (Ảnh: Baidu)
Với quy mô tráng lệ cùng phong cách kiến trúc độc đáo, Vương Phủ được coi là một “viên ngọc quý” kế thừa nét tinh túy của nghệ thuật xây dựng cổ xưa.
Tổng thể bố cục bao gồm 5 làn đường và 6 tòa nhà, các khoảng sân được thiết kế rất thông minh, không chỉ thuận tiện di chuyển mà còn tạo cảm giác thoáng đãng cho toàn thể công trình.
Thiết kế tận dụng tối đa diện tích đất của Vương Phủ (Ảnh: Baijiahao)
Trong khu phức hợp bên phải, có tổng cộng 35 sân lớn nhỏ với 342 phòng. Cấu trúc tòa nhà bao gồm nhiều công trình phụ, như: Phòng dệt, nhà bếp, phòng ăn chung…, tất cả được kết nối với nhau bằng các khoảng sân chung.
Ở khu trung tâm của Vương phủ, các dãy nhà và đường đi được thiết kế đối xứng với nhau. Khi nhìn từ trên xuống, người ta sẽ thấy một chữ “Vương” (王) – cái tên của dòng họ danh giá.
Xét từ cấu trúc chung, khu phức hợp kế thừa được tinh túy của phong cách kiến trúc cổ đại, phía trước là đại sảnh, nơi tiếp khách, phòng ngủ nằm phía sau, sự tách biệt giữa hai không gian này tạo nên cảm giác khang trang hơn cho biệt phủ.
Cách bài trí phòng ngủ cũng rất được sắp xếp theo tuổi tác, giới tính và cấp bậc, chỉ cần quan sát vị trí phòng là có thể đoán được danh phận của từng người trong gia tộc.
Mọi ngóc ngách trong Vương Phủ đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo (Ảnh: Baijiahao)
Toàn bộ sân đình Vương phủ được tạo nên từ sự kết hợp của nghệ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, chạm khắc gạch và các kỹ thuật kỳ công khác. Những công trình trạm khắc không chỉ tinh xảo, mà còn phân bố đều ở nhiều vị trí trong Vương phủ, khiến khách tham quan không khỏi trầm trồ trước sự tinh tế trong thiết kế và xây dựng.
Gia tộc phồn vinh nhất thời nhà Thanh
Dưới thời trị vì của vua Khang Hy (1654 – 1722), cháu trai đời thứ 14 của nhà họ Vương là Vương Khiệm Hòa và Vương Khiệm Thụ nắm bắt được cơ hội hợp tác với triều đình, sử dụng sáng tạo chiến lược “thương nhân nuôi quân đội, quân đội bảo vệ thương nhân”, cung cấp ngựa và lương thảo cho quân triều đình. Cuối cùng, hiện thực hóa được giấc mơ danh gia vọng tộc của gia tộc.
Gia tộc họ Vương mặc dù không tham gia con đường thi cử, nhưng nhờ mối quan hệ tốt và những đóng góp cho triều đình, nhiều thành viên đã được đề đạt tiến quan, cấp bậc cao nhất mà dòng họ đạt tới là bậc quan nhị phẩm.
Sự tàn lụi của triều đại nhà Thanh cũng kéo theo ngày suy tàn của gia tộc họ Vương. Ảnh: Zhihu
Tuy nhiên, vinh hoa của gia tộc họ Vương chỉ gắn liền với sự tồn tại của triều đại nhà Thanh. Sau khi chiến tranh nha phiến (1839-1842) bùng nổ, Thanh triều suy yếu dần, việc kinh doanh của nhà họ Vương gặp nhiều trắc trở, từ đó không thể mở rộng quy mô gia tộc.
Khi chiến tranh chống Nhật bùng nổ vào năm 1937, họ Vương di tản xuống phía nam, điều này cũng thông báo về sự suy tàn hoàn toàn của gia tộc hưng thịnh nhất Trung Hoa một thời.
Gia tộc họ Vương đã chi một số tiền khổng lồ, đồng thời mất tới hơn 300 năm, trải qua nhiều đời mới có thể hoàn thành được cơ ngơi hoành tráng “có một không hai” như vậy.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện nay, dù đã xuống cấp, tuy nhiên vẻ hào nhoáng, hoa lệ của khuôn viên này dường như vẫn còn nguyên vẹn. Một số tòa nhà đã được mở cửa cho khách du lịch như những danh lam thắng cảnh, du khách có thể tham quan các khu vực này sau khi mua vé.