Liệu người dùng Windows có tìm thấy hạnh phúc trong môi trường khác? Windows gây cho chúng ta nhiều phiền toái, nội những vấn đề bảo mật của nó thôi cũng đủ đau đầu. Điều này làm cho người dùng phải “trông” sang các hệ điều hành (HĐH) khác.
Nếu bạn thích phần mềm nguồn mở, như trình duyệt Firefox, hẳn bạn phải tự hỏi có nên dùng thử Linux? Ngoài ra còn phải kể đến sự lôi kéo của Mac OS X với giao diện lộng lẫy.
Tuy nhiên việc chuyển sang một HĐH mới không đơn giản. Liệu có thể thực hiện hết mọi việc trên Linux hay Mac OS, và có thể chuyển lại Windows khi cần thiết không? Liệu HĐH mới có gây ra những phiền toái khác?
Để đánh giá, nhóm thử nghiệm (NTN) đã bỏ ra vài tuần để làm việc với Xandros (Linux) và Mac OS X 10.4 (tên mã Tiger). Đồng thời, NTN tìm hiểu một số quan niệm thông thường về Linux, Mac OS và Windows, đánh giá lại những quan niệm mà mọi người vẫn thường nghĩ về các HĐH này.
Xandros OS 3 Deluxe
Là HĐH miễn phí có thể chạy trên PC hiện tại của bạn, phiên bản Linux này có ưu điểm rõ rệt so với Tiger. Bước đầu tiên khi cài đặt Linux là chọn bản phân phối đi kèm với các thành phần quan trọng của HĐH (công cụ tiện ích, trình điều khiển thiết bị…). Hầu hết các bản Linux đều đi kèm nhiều ứng dụng nguồn mở miễn phí, từ bộ phần mềm văn phòng và trình duyệt web đến trình biên tập ảnh và game.
Nhiều bản Linux cho tải về miễn phí, thường là ở dạng tập tin (file) .iso để bạn ghi ra CD. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề: các bản Linux miễn phí ít khi có sự hỗ trợ kỹ thuật ngoài những thông tin mà bạn tìm thấy trên các diễn đàn trực tuyến và trang FAQ (những câu hỏi thường gặp) ở website phân phối bản Linux.
Các bản Linux thương mại, như SuSE Professional 9.3 (60USD, www.suse.com) hay Xandros Desktop OS Version 3 Deluxe Edition (90USD, www.xandros.com), thường có cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Bản linux được chọn ở đây – Xandros – còn có tài liệu in chu đáo và các trang FAQ rõ ràng trên website của mình.
Sau khi cài Xandros, việc làm quen với môi trường làm việc Linux diễn ra dễ dàng đáng ngạc nhiên, ngoại trừ một số vấn đề lặt vặt sẽ được đề cập dưới đây. NTN có thể thực hiện tất cả công việc thường làm hàng ngày, như chỉnh sửa các file Word và Excel, duyệt web, sao chép file qua mạng cục bộ, sử dụng email và chat (IM). Màn hình làm việc KDE thân thiện và dễ dùng, nó còn cung cấp một vài cải tiến nhỏ như cho phép nhiều desktop. Về mặt này, Xandros tỏ ra mạnh hơn Windows.
Mặc dù môi trường làm việc của Xandros đơn giản, nhưng nó không đủ thuyết phục từ bỏ Windows. Giá thấp và tính bảo mật cao là những lợi thế lớn nhất của Linux, làm cho nó trở thành lựa chọn hàng đầu nếu bạn cần một bộ máy thật vững vàng. Các game thủ quan tâm đến ngân sách cũng có thể thử thiết lập khởi động kép: khởi động vào Windows để chơi game, và khởi động vào Linux để làm các công việc khác.
Ngoài 2 tình huống trên, không có lý do nào thật thuyết phục để người dùng từ trung bình đến cao cấp từ bỏ Windows. Phần mềm Windows thì bạn đã trả tiền, bổ sung với firewall hiệu quả, biện pháp phòng chống virus tốt và bảo mật cho thông tin nhạy cảm, bạn không phải bận tâm nhiều về việc PC Windows của mình bị tấn công. Dù vậy, cũng cần đề cập đến một số quan niệm phổ biến về Linux.
• Quan niệm thông thường: Linux khó cài đặt và sử dụng.
Thực tế: Không hẳn vậy, việc cài đặt cơ bản rất dễ dàng. Đầu tiên NTN thiết lập BIOS của PC để khởi động từ ổ đĩa quang (có thể bạn không cần thực hiện bước này). Đưa đĩa CD Xandros thứ nhất vào, khởi động lại máy và thủ tục cài đặt sẽ dẫn dắt bạn qua các bước như khi cài đặt bất kỳ HĐH nào, như khai báo múi giờ, hỗ trợ mạng và trình điều khiển (driver) máy in…
Xandros cho lựa chọn “tống khứ” Windows khỏi đĩa cứng và bắt đầu mới hoàn toàn, hay thiết lập hệ thống khởi động kép để chạy cả Windows và Xandros. NTN chọn chế độ khởi động kép; và chưa đầy 30 phút sau khi bắt đầu cài đặt, PC đã sẵn sàng làm việc.
Có một số vấn đề sau khi cài đặt: Máy in HP Laserjet 5si (khá cũ) không chịu in, mặc dù driver dường như đã cài đặt đúng. Tuy nhiên với máy in HP mới hơn, driver Linux lấy từ HP làm việc tốt. Xandros cũng không thể nhận diện màn hình ViewSonic 21 inch. Thay đổi thiết lập trong KDE Control Center giải quyết được vấn đề. (Control Center có chức năng giống như Control Panel của Windows).
Thử nghiệm ở đây dùng phần cứng PC chuẩn, tuy nhiên bạn nên kiểm tra phần cứng của mình xem có tương thích với Linux không trước khi cài đặt HĐH mới. Ví dụ, việc hỗ trợ thiết bị (adapter) mạng không dây vẫn chưa được tốt.
• Quan niệm thông thường: Linux an toàn hơn Windows.
Thực tế: Điều này đúng. Hiện nay, thật “phiêu” khi chạy Windows mà không có cài các bản vá, cũng như không dùng phần mềm chống virus, firewall và trình kiểm tra spyware. Người dùng Linux và Mac ít khi phải bận tâm về những công cụ này. Đa phần virus, spyware và adware tập trung tấn công Windows.
Vậy Linux và các hệ thống nguồn mở khác có điểm yếu về bảo mật không? Chắc chắn là có. Ví dụ, Mozilla Foundation đã đưa ra nhiều bản cập nhật để “vá” các lỗ hổng được phát hiện trong trình duyệt Firefox. Phần mềm nguồn mở không phải hoàn toàn “miễn nhiễm”, tuy nhiên các nhà phát triển thường xuyên sửa lỗi, các lỗ hổng nghiêm trọng có thể được vá chỉ sau vài giờ phát hiện.
Linux là HĐH được thiết kế để phục vụ nhiều người dùng, vì vậy vấn đề bảo mật được đặc biệt chú trọng. Việc sử dụng firewall trên hệ thống Linux vẫn cần thiết, và phiên bản Xandros Deluxe có sẵn công cụ này (nhưng không kích hoạt mặc định). Xandros Deluxe còn có kèm công cụ KDE Password Wallet thực hiện lưu các đăng nhập website trong file mã hoá. Công cụ quản lý password của XP không có khả năng bảo mật tốt như vậy cho password của bạn.
• Quan niệm thông thường: Việc trao đổi dữ liệu giữa Windows và Linux không đơn giản.
Thực tế: Không quá khó như bạn nghĩ. OpenOffice.org làm việc khá tốt và có thể thay thế Microsoft Office. NTN gần như không gặp khó khăn gì, ngay cả khi biên tập tài liệu Word có dùng chế độ “lưu vết” (dùng để theo dõi việc chỉnh sửa tài liệu) – vấn đề thường gây khó khăn cho các phần mềm “nhái” Office trước đây.
Nếu OpenOffice.org không làm bạn hài lòng, bạn luôn có thể cài Microsoft Office với sự giúp đỡ của CrossOver Office của CodeWeaver, phần mềm này tạo môi trường giả lập Windows để chạy Office (và các ứng dụng Windows khác) trên Linux. Phiên bản 4.1 của phần mềm này được cung cấp kèm Xandros Deluxe.
Có một số ứng dụng không làm việc tốt. Ví dụ, ITunes có trong danh sách ứng dụng được hỗ trợ tuy nhiên NTN không thể làm cho âm thanh “lên tiếng” trong Crossover.
Mac OS X
Mac OS X 10.4, hay Tiger, là môi trường khác hẳn. Khác biệt hiển nhiên nhất là phần cứng. IMac 20 inch được dùng để thử nghiệm Mac OS là thiết kế phần cứng gây ấn tượng đầu tiên. Tuy nhiên HĐH mới là vấn đề chính cần đề cập.
Về đồ hoạ, Tiger bỏ xa cả Windows và Linux. Các hiệu ứng trong suốt, phối màu trang nhã và độc đáo, cùng với các biểu tượng sắc sảo. Thường thì “bộ cánh” hào nhoáng gây khó chịu cho người dùng, nhưng với Tiger hầu hết các hiệu ứng giao diện đều trông tự nhiên và làm cho người dùng thấy hứng thú khi làm việc.
Cũng như máy thử nghiệm Linux, IMac kết nối mạng dễ dàng và NTN có thể sử dụng phiên bản Office và Firefox dành cho Mac để thực hiện các công việc thông thường. Tuy nhiên cần có sự điều chỉnh để làm việc với Tiger và IMac. Chuột tối giản của Mac có thể làm bạn nản lòng và phải tìm chuột USB thay thế hay bất kỳ chuột nào miễn là có ít nhất 2 nút nhấn và 1 bánh xe cuộn. Bàn phím không dây trang bị theo máy là thứ cần thay tiếp theo sau khi NTN nhiều lần nhầm lẫn phím F13 với Delete.
Sau khi thay chuột và bàn phím, NTN mới thực sự thưởng ngoạn Tiger. Trong khi việc chuyển sang Linux dễ dàng nhưng không đem lại nhiều giá trị, việc chuyển sang Tiger cho thấy nhiều ưu điểm ngay lập tức. Tính năng Exposé chuyển đổi tác vụ rất tiện lợi. Khi bạn có nhiều cửa sổ mở, chỉ việc đơn giản nhấn chuột vào góc trên màn hình hay nhấn phím nóng để hiển thị hình thu nhỏ của từng cửa sổ, và bạn chỉ việc nhấn chọn để chuyển đến cửa sổ cần làm việc. Đây là cách thức hiệu quả để làm việc với nhiều cửa sổ cùng lúc.
Spotlight, tính năng tìm kiếm trên desktop mới của Apple, là một ưu điểm khác của Tiger. Nhấn biểu tượng kính lúp nhỏ ở góc phải trên màn hình để mở hộp thoại tìm kiếm. Spotlight sẽ lập tức đưa ra danh sách kết quả được phân nhóm tiện lợi như ứng dụng, tài tiệu và email. Bạn có thể lưu câu truy vấn Spotlight thành folder thông minh (Smart Folder) có khả năng tự cập nhật. Một tính năng hay khác, Dashboard, cung cấp những công cụ giúp đơn giản hoá các tác vụ desktop.
Cuối cùng, xét đến vấn đề bảo mật tốt hơn và nguy cơ virus tấn công ít hơn, Mac càng hấp dẫn hơn. Nhưng trước hết bạn cần xem xét về giá cả. Đầu tiên bạn cần phải mua phần cứng mới, kế tiếp là thiết bị ngoại vi và phần mềm tương thích Mac, việc đưa thêm máy Mac vào hệ thống mạng của bạn khá tốn kém. Liệu nó có đáng giá? Chúng ta hãy xem một số quan niệm về Mac.
• Quan niệm thông thường: Mac OS tuy trực quan nhưng không mạnh.
Thực tế: Sai. Mac OS luôn đi trước Windows trong việc áp dụng các ý tưởng thiết kế giao diện trực quan; việc tuân thủ luật Fitts của nó là một ví dụ. Luật Fitts nói rằng các góc và cạnh màn hình là mục tiêu dễ đạt đến nhất, vì dù bạn có di chuuyển chuột xa đến đâu đi nữa thì con trỏ luôn đứng ở cạnh màn hình. Các menu của Mac OS luôn tận dụng luật Fitts. Lúc đầu thanh tác vụ của Windows không tuân theo luật này, nhưng giờ đây đã thay đổi.
Tuy nhiên sức mạnh thực sự của Tiger nằm ở các tính năng như Spotlight và Exposé – những công cụ xuất sắc mà bạn sẽ không tìm thấy ở Windows. Một tiện ích kịch bản dễ sử dụng, Automator, giúp làm đơn giản các tác vụ lặp đi lặp lại. Giống như Linux, Mac OS được xây dựng trên nền tảng giống Unix nên tất cả truy cập dòng lệnh mà bạn cần đều có.
• Quan niệm thông thường: Phần cứng Mac có giá cao.
Thực tế: Đáng buồn là điều này đúng, đặc biệt nếu bạn chỉ so sánh các thông số phần cứng. Máy Mac rẻ nhất mà bạn có thể mua hiện nay là Mac Mini giá 499USD (tại Mỹ), còn hệ thống Power Mac cao cấp dùng BXL kép G5 giá lên đến 2999USD. Tiền nào của đó! Máy Mac có thiết kế tuyệt vời và thường có tính năng ấn tượng, ví dụ dòng sản phẩm cao cấp G5 được làm mát bằng nước cực êm. Khi Apple chuyển sang dùng BXL Intel vào năm sau, giá máy Mac có thể giảm.
Ngoài phần cứng, người dùng Windows khi chuyển sang Mac còn phải xem xét đến giá phần mềm. Microsoft Office (giá 400USD) chắc chắn không thể thiếu, và còn các phần mềm thương mại cần thiết khác.
• Quan niệm thông thường: Mac OS thiếu ứng dụng.
Thực tế: Đúng. Rõ ràng số lượng ứng dụng trên Windows vượt xa số ứng dụng trên Mac. Tuy nhiên gần như tất cả ứng dụng quan trọng đều có phiên bản dành cho Mac. Microsoft Office, Adobe Photoshop và InDesign, các công cụ thiết kế web của Macromedia và các công cụ biên tập video như Adobe Premier, chưa kể công cụ Final Cut có sẵn của Apple.
Nhưng một lỗ hổng to tướng trong phần mềm Mac đó là game. Tuy một số game phổ biến như World of Warcraft, Doom 3 và nhiều game chiến lược thời gian thực khác có phiên bản cho Mac, nhưng bạn sẽ không tìm thấy phiên bản Mac của Half-Life 2, Tom Clancys Splinter Cell hay nhiều game PC phổ biến khác. Thường thì phiên bản Mac được phát hành sau phiên bản PC nhiều tháng.
Trông về tương lai
Hiện tại, việc thoát khỏi những phiền toái của Windows có vẻ khả quan. Bạn sẽ phải điều chỉnh nhiều khi chọn Mac hoặc Linux, nhưng việc thêm một HĐH khác vào môi trường điện toán chưa bao giờ dễ hơn!
Các bản Linux ổn định như Xandros cung cấp môi trường làm việc thay thế cho Windows mà bạn có thể cài trên PC hiện tại của mình. Nhưng khi tốn thời gian và tiền bạc để chuyển sang một HĐH khác, hẳn bạn mong đợi nó đem lại sự cải thiện thực sự. Đây là điều NTN tìm thấy với Tiger. Giao diện tuyệt vời và các công cụ hữu ích như Spotlight đem đến những lợi ích hơn hẳn Windows.
Nguyễn Thanh