Sở cứu hỏa Hong Kong đã chi 16 triệu USD để tậu tàu chữa cháy tự thăng bằng có thể tự khôi phục sau khi bị lật chỉ trong vài giây.
(Video: Paul Wan).
Chiếc tàu chế tạo bởi xưởng đóng tàu Lungteh ở huyện Nghi Lan của Đài Loan được cho là tàu chữa cháy tự thăng bằng lớn nhất thế giới, phục vụ nghiên cứu hàng hải và hoạt động cứu hộ ở vùng biển Hong Kong. Tàu có thể tới Hong Kong sớm nhất vào tháng 6/2024 sau khi hoàn thành thử nghiệm ở xưởng, Interesting Engineering hôm 25/4 đưa tin.
Theo nhà chức trách, chức năng tự thăng bằng của tàu đảm bảo hoạt động cứu hộ và chữa cháy có thể tiếp tục ngay cả trong điều kiện ngặt nghèo, giúp tăng cường bảo vệ lính cứu hỏa trên tàu, đồng thời tăng khả năng di chuyển trong điều kiện thời tiết bất lợi. Chiếc tàu mới dài 35 – 40 m và nặng khoảng 200 tấn sẽ cần vài tháng thử nghiệm tại cảng Tô Áo thuộc huyện Nghi Lan và huấn luyện thủy thủ đoàn trước khi bàn giao.
Tàu chữa cháy thử nghiệm ở cảng Tô Áo.
Phương tiện có tên “Tàu chữa cháy 12”. Cục hậu cần Hong Kong cấp hợp đồng đóng tàu chữa cháy cho Lungteh vào tháng 6/2020. Theo lịch trình, tàu cần được bàn giao vào năm 2022, nhưng quá trình xây dựng và bàn giao kéo dài do Covid-19. Tàu có tay đòn thăng bằng trong khoảng từ 0 đến 180 độ, nhờ đó có thể trở về vị trí dựng thẳng khi tròng trành.
Theo Sở cứu hỏa, số tai nạn khẩn cấp ở vùng biển phía đông Hong Kong có xu hướng tăng lên trong vài năm qua. Mẫu tàu mới sẽ giúp họ tăng cường hoạt động tìm kiếm cứu hộ hàng hải trong điều kiện biển động tại khu vực này. Nhà chức trách sẽ bổ sung tàu chữa cháy và hai tàu chỉ huy để thay thế tàu Fireboat 2 và tàu chỉ huy Boats 1 và 2 trong vài năm tới.
Xưởng đóng tàu Lungteh thành lập năm 1979 chuyên sản xuất tàu tốc độ vừa và đã đóng nhiều tàu cho các cơ quan chính phủ của Hong Kong, bao gồm dịch vụ cứu hỏa, cảnh sát biển và hải quan.
- Trung Quốc đưa vào hoạt động tàu cứu hỏa đầu tiên
- Kỹ năng thoát hiểm khi du thuyền gặp hỏa hoạn
- Sáng chế chữa cháy cực giản tiện của người Úc