Những tảng đá nhựa kỳ lạ đã được tìm thấy ven biển và trên đất liền ở 11 quốc gia trên 5 châu lục. Điều đáng lo là chúng có thể ảnh hưởng đến con người.
Theo các nhà khoa học, loại đá trầm tích này là sự kết hợp của đá và polymer nhựa do con người thải ra được nén lại với nhau. Hiện tượng này minh chứng mức độ ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.
Những tảng đá nhựa này đã được tìm thấy trên khắp thế giới – (Ảnh: NEWSWEEK).
Có một số bất đồng trong cộng đồng khoa học về việc nên gọi những loại đá này là gì. Nhiều thuật ngữ khác nhau được đề xuất, chẳng hạn như “đá nhựa”, “đá dẻo”, “rỉ nhựa”, “nhựa”, “đá sa thạch” và “anthropoquinas”.
Deyi Hou, phó giáo sư môi trường tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nói với tờ Newsweek: “Chúng tôi thường xuyên tìm thấy đá nhựa trên các bãi biển và đất liền. Chúng có tại khắp 5 châu lục”.
Hou và các đồng nghiệp giải thích, đá nhựa có thể hình thành thông qua nhiều cách khác nhau.
Đốt nhựa là một cơ chế thường được đề cập tới. Các mảnh vụn nhựa tan chảy trong quá trình đốt lửa trại hoặc đốt chất thải trên bờ biển. Và khi thủy triều lên, sóng đánh các mảnh vụn nhựa chảy bám chặt vào bề mặt đá.
Một cách khác, do rò rỉ dầu ra bãi biển. Trong dầu thường chứa một lượng nhựa đáng kể và nó “dính chắc vào đá và cuối cùng dầu bay hơi và nhựa còn lại hóa rắn”.
Cuối cùng, nghiên cứu cũng phát hiện ra sự liên kết hóa học giữa polymer nhựa và cát sỏi đã góp phần tạo ra đá nhựa ở trong đất liền.
Đá nhựa tìm thấy trong đất liền – (Ảnh: EARTH-SCIENCE REVIEWS).
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: sự chiếu xạ của ánh sáng Mặt trời đã dẫn đến quá trình oxy hóa nhựa, từ đó dẫn đến sự liên kết hóa học này.
Đá nhựa đã được phát hiện ở Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Hawaii, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Peru, Bồ Đào Nha, Quần đảo Canary Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Sự hình thành đá nhựa trên khắp thế giới là kết quả trực tiếp của ô nhiễm nhựa mà chúng ta đang đổ vào môi trường. Các tác giả cho biết có khoảng 22 – 48 triệu tấn rác nhựa thải ra mỗi năm.
Các loại đá chứa nhựa được dự đoán sẽ ngày càng xuất hiện như một phần của quá trình địa chất tự nhiên và tồn tại trong một thời gian dài.
Mối nguy từ đá nhựa Đá nhựa có thể làm thay đổi quần thể vi sinh vật trong đất và môi trường xung quanh, từ đó có thể tác động đến hệ sinh thái địa phương. Tệ hơn nữa, đá nhựa còn thải ra các hạt vi nhựa, những mảnh ô nhiễm nhỏ được biết đã phát tán trên toàn cầu và thậm chí thâm nhập vào cơ thể con người và động vật. |
- Tại sao những điều kỳ lạ xảy ra quanh năm ở Thần Đường Loan?
- Vạn Lý Trường Thành đứng vững nhờ xây bằng “vữa sống”
- Sóng độc bất thường – Sát thủ không ai muốn gặp trên biển