Hầu hết những người chưa từng là nạn nhân hiếp dâm đều cho rằng họ sẽ chống cự nếu bị tấn công. Tuy nhiên, khi lắng nghe những nạn nhân đã từng bị cưỡng hiếp, bạn sẽ thấy điều này không hề đơn giản.
Theo Independent, một nghiên cứu mới của viện Karolinksa và bệnh viện đa khoa Stockholm (Thụy Điển) cho thấy phần lớn nạn nhân đều rơi vào trạng thái toàn thân cứng đờ khi bị hiếp dâm và điều này khiến họ không thể chống cự.
Hiện tượng này gọi là “sự bất động căng cứng” – có thể hiểu như một “tình trạng ức chế cơ tạm thời nhằm đối phó với các tình huống bất ngờ liên quan đến lo sợ tột độ”.
Nhiều phụ nữ cứng đơ người và không có khả năng tự vệ khi bị cưỡng hiếp. (Ảnh minh họa: Yana Mazurkevich).
Phát hiện mới này có thể sẽ gây ra sự thiệt thòi khi các nạn nhân hiếp dâm ra tòa hoặc tới bệnh viện. “Tòa án có thể sẽ bác bỏ tội hiếp dâm nếu nạn nhân không có hành động chống cự. Bởi họ cho rằng khi các nạn nhân không chống cự đồng nghĩa với việc họ đồng ý cho “yêu râu xanh” quan hệ tình dục”, tờ Broadly dẫn lời tiến sĩ Anna Möller, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết. Trên thực tế pháp lý đã xảy ra nhiều vụ việc như vậy. Thậm chí, cả ở Việt Nam cũng đã có trường hợp thoát án hiếp dâm nhờ việc nạn nhân không la hét.
Nữ tiến sĩ tin rằng “sự bất động căng cứng” nên được đánh giá thường xuyên ở tất cả các nạn nhân bị tấn công tình dục. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nhận thấy “sự bất động căng cứng” còn có thể khiến các nạn nhân mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) hoặc bị trầm cảm nghiêm trọng.
Giáo sư Möller và nhóm của bà nghiên cứu 298 phụ nữ từng tới phòng khám cho các nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Stockholm. Trong số đó, 70% phụ nữ cho biết họ bị căng cứng lúc vụ việc xảy ra và 48% khẳng định họ bị căng cứng nặng tới mức bất động. Nửa năm sau vụ tấn công, 189 phụ nữ mắc dấu hiệu của PTSD và chứng trầm cảm.
Các nhà khoa học kết luận, “sự bất động căng cứng” sẽ làm tăng 2,75 lần nguy cơ mắc chứng PTSD và 3,42 lần nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Không những vậy, họ còn nhận thấy hiện tượng này cũng liên quan đến các biện pháp điều trị tâm thần trước đây.