× Image
Image
Chia sẻ

Với những dòng nham thạch nóng bỏng chảy xuống và những đốm lửa trong mây bụi, quang cảnh một ngọn núi lửa phun trào vừa đáng sợ lại vừa đáng kinh ngạc. Vậy sẽ có chuyện gì xảy ra nếu tất cả núi lửa trên Trái đất đồng loạt phun trào?

Các nhà khoa học ước tính có khoảng 1.500 ngọn núi lửa đang hoạt động trên Trái đất, không kể đến con số chưa được thống kê về số lượng núi lửa ngầm dưới biển. Mỗi ngày có từ 10-20 ngọn núi lửa phun trào trên Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng khả năng tất cả những ngọn núi lửa này cùng phun trào một lúc là rất thấp, đến mức gần như là không thể.

Nhưng giả sử điều này xảy ra, liệu Trái đất có cơ hội nào để sống sót? Parv Sethi, một nhà địa chất học thuộc Đại học Radford, Virginia nhận định, câu trả lời là không.

Chỉ riêng các núi lửa trên mặt đất cùng phun trào cũng đủ để kích hoạt các ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường theo hiệu ứng domino, với sức mạnh gấp nhiều lần bom hạt nhân. Mặc dù dung nham nóng chảy sẽ giết chết những người sống gần núi lửa trước tiên, nhưng con số này không thấm tháp gì so với những người thiệt mạng vì thay đổi khí hậu.

Chuyện gì xảy ra nếu tất cả núi lửa trên Trái Đất cùng phun trào?
Núi lửa phun trào. (Ảnh: livescience.com)

Sethi dự đoán rằng nếu tất cả núi lửa trên Trái đất cùng phun trào, một màn tro bụi dày đặc sẽ phủ kín Trái đất như một cái chăn và chặn mọi ánh sáng từ Mặt Trời.

“Trái đất sẽ hoàn toàn chìm vào bóng tối. Không có ánh sáng, cây cối sẽ không thể quang hợp và sinh trưởng, mùa màng sẽ thất bát và nhiệt độ sẽ giảm mạnh”, nhà khoa học cho biết. Màn tro bụi này thậm chí sẽ bao bọc lấy Trái đất trong vòng 10 năm.

Trên thực tế, không phải mọi núi lửa đều có khả năng sinh ra một lượng lớn tro bụi, ví dụ như núi lửa ở Hawaii chỉ sinh ra dung nham. Tuy nhiên, danh sách 1.500 ngọn núi lửa đang hoạt động trên Trái đất của Viện Địa chất Hoa Kỳ có tên cả những siêu núi lửa mà chỉ cần phun trào là sẽ nhấn chìm toàn bộ nước Mỹ trong một màn tro bụi mỏng.

Kể cả khi sống sót được qua màn tro bụi, một vấn đề khác lại nảy sinh: mưa axit. Khí thải từ núi lửa phun trào chứa rất nhiều axit clohydric, flo hydrogen, lưu huỳnh hydrogen và lưu huỳnh dioxit với nồng độ lớn trong khí quyển sẽ tạo ra mưa axit, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và bề mặt đại dương.

Nước biển bị nhiễm axit sẽ khiến san hô và các sinh vật biển chết hàng loạt, hủy diệt chuỗi thức ăn đại dương và dẫn đến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, như đã từng xảy ra trong quá khứ của Trái đất ở cuối kỷ Permi, kỷ Triad và kỷ Creta.

Ngoài ra, việc tro bụi và khí gas được giải phóng vào khí quyển sẽ ngăn ánh Mặt Trời và khiến nhiệt độ Trái đất giảm đi đáng kể, dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Mặc dù núi lửa phun trào cũng sinh ra cả khí carbon dioxit có khả năng làm tăng nhiệt Trái đất, nhưng theo nhà khoa học Sethi, lượng khí carbon dioxit sinh ra từ 1.500 núi lửa phun trào cùng lúc lại quá lớn khiến khí quyển bị nhiễm độcnhiệt độ Trái đất tăng quá cao, hoàn toàn không phải môi trường sống thích hợp cho con người.

Trước viễn cảnh núi lửa đồng loạt phun trào này, Sethi cho rằng chỉ có extremophile – những vi khuẩn chịu cực hạn – có thể sống sót. Đó là những tổ chức sinh vật hữu cơ sống trong những môi trường vô cùng khắc nghiệt như suối nước nóng ngầm hay sâu dưới đáy biển, nơi chúng được an toàn trước sự hủy diệt trên mặt đất.

Một kịch bản mang tính khoa học viễn tưởng khác cũng được nghĩ đến, đó là sẽ chỉ có một số người sống sót nhờ trú ẩn trong các boongke ngầm do chính phủ và những người giàu có xây dựng, chờ cho tai họa đi qua, hoặc rời bỏ Trái đất để bay vào vũ trụ.

“Khi đó, những người may mắn nhất lại chính là những người đã chết”, Sethi nhận định.

Avatar

By admin

Facebook: KienThucMoiNgay.Info

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *