× Image
Image
Chia sẻ

Loài cóc đặc hữu mới có chiều dài thân chưa tới 4 cm, các mụn cóc tròn và đều với những đốm đen trên thân, mống mắt 2 tông màu, được nhóm nhà khoa học phát hiện tại đỉnh núi Pờ Ma Lung.

Loài cóc mới được đặt tên là Cóc răng anh em (tên khoa học Oreolalax adelphos), do các nhà nghiên cứu đến từ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC), Bảo tàng Quốc gia Australia và Hội động vật Luân Đôn phát hiện ở độ cao trên 2.900m tại đỉnh núi Pờ Ma Lung thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Zootaxavào đầu tháng 10.

Loài cóc răng anh em được tìm thấy trên núi Pờ Ma Lung, Lai Châu.
Loài cóc răng anh em được tìm thấy trên núi Pờ Ma Lung, Lai Châu. (Ảnh: Thành Luân).

Theo ThS Nguyễn Thành Luân, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, hiện có 20 loài cóc trong giống Oreolalax được ghi nhận. Hầu hết trong số đó là đặc hữu ở Trung Quốc. Chỉ một loài duy nhất, cóc răng Sterling (tên khoa học Oreolalax sterlingae) được ghi nhận tại Việt Nam và chỉ tìm thấy ở dãy Hoàng Liên Sơn. Loài này đồng thời được xếp hạng nguy cấp theo Danh lục đỏ thế giới (IUCN).

Loài mới được ThS Luân cùng cộng sự phát hiện trong quá trình điều tra thực địa về đa dạng lưỡng cư tại núi Pờ Ma Lung hồi tháng 8/2023. Nhóm thu thập được các mẫu vật thuộc loài Oreolalax sterlingae và một số mẫu vật mang đặc điểm hình thái khác biệt với các loài trong giống Oreolalax trước đó. Kết quả phân tích hình thái ngoài và trình tự di truyền cho thấy đây là một loài mới.

Loài cóc răng núi Pờ Ma Lung có chiều dài thân chưa tới 4cm, trong đó kích thước cơ thể khoảng 38 mm ở cá thể đực và 26,2 mm ở cá thể cái. Chúng có điểm đặc trưng nổi bật như đùi và ống chân có các vệt ngang màu nâu đen; hông có các đốm trắng xám hoặc trắng kem, mắt có 2 màu khác biệt ở nửa trên và dưới. Cóc răng anh em có màng bơi phát triển ít ở giữa các ngón chân sau; mặt bụng có màu xám với các đốm trắng xen kẽ; đầu và thân có những mụn tròn và đều.

Hiện các nhà khoa học chỉ tìm thấy loài này ở đỉnh núi Pờ Ma Lung và có cùng sinh cảnh sống với loài Oreolalax sterlingae, và cả hai loài này đều có khả năng phân bố ở Kim Bình (Jinping), Vân Nam, Trung Quốc. Đây là loài thứ 2 trong giống Oreolalax được phát hiện tại Việt Nam cho tới nay.

Cóc răng sterling (trái) và Cóc răng anh em (phải)
Cóc răng sterling (trái) và Cóc răng anh em (phải) cho thấy sự khác biệt khi bắt gặp cùng sinh cảnh sống. (Ảnh: Thành Luân).

Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ Dự án bảo tồn các loài Lưỡng cư và Bò sát ở Dãy Hoàng Liên Sơn. Hơn 10 năm qua, các nhà khoa học đã khám phá sáu loài lưỡng cư và một loài rắn mới tại đây. Việc khám phá thêm loài mới ở phía Bắc dãy Hoàng Liên Sơn cho thấy sự cần thiết của các hoạt động điều tra nghiên cứu ở các khu vực núi cao.

 Sinh cảnh đỉnh Pờ Ma Lung.
Sinh cảnh đỉnh Pờ Ma Lung. (Ảnh: Thành Luân).

Núi Pờ Ma Lung và những ngọn núi cao ở phía Bắc đều là các địa điểm leo núi nổi tiếng. Do đó song song với tìm kiếm, phát hiện và đặt tên loài mới cho khoa học, các nhà nghiên cứu cho biết tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo tồn loài thông qua tăng cường công tác quản lý địa phương, nâng cao nhận thức người dân và khách du lịch về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Avatar

By admin

Facebook: KienThucMoiNgay.Info

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *