Hà Lan là một quốc gia nhỏ ở Tây Bắc Âu, có diện tích, đặc điểm địa lý và lịch sử khai phá khá tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long.
Với một nửa đất nước là vùng đất thấp, âm nhiều mét so với mực nước biển, Hà Lan thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, ngập lụt và nỗ lo an ninh lương thực. Nhưng đến đầu thế kỷ XXI, quốc gia nhỏ bé này đã vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu nông sản năm 2017 gần bằng ½ GDP của Việt Nam. Kết quả ấn tượng này là một phần thành công trong nỗ lực trị thủy bền bỉ, có chiến lược và không ngừng sáng tạo suốt hơn 1.000 năm. Thành công của họ còn mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ và những bài học kinh nghiệm đáng giá cho nhiều quốc gia trước mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và biển tiến.
Hà Lan được biết đến là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển. Vùng trũng nhất ở dưới mực nước biển tới 6,74m là một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Rotterdam.
Bản thân tên gọi tiếng Anh của quốc gia này “The Netherlands” cũng có nghĩa là “Những vùng đất thấp“. Ngoài ra thống kê cho thấy 2/3 diện tích của quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt trong khi mật độ dân số thuộc nhóm đông đảo bậc nhất.
Đặc điểm này đã nhiều lần khiến Hà Lan trải qua những thảm hoạ kinh hoàng. Đỉnh điểm nhất là tháng 2/1953, triều cường dâng cao do ảnh hưởng của một cơn bão đã tàn phá gần như hoàn toàn vùng duyên hải phía nam.
Phần lớn diện tích của Hà Lan có nguy cơ ngập lụt.
Hơn 200.000 hecta đất trồng trọt bị ngập lụt, 1.835 người bị chết đuối. Cũng từ thảm hoạ này đã lộ ra điểm yếu lớn nhất trong hệ thống các công trình phòng vệ chống nước biển của Hà Lan.
Chính vì vậy, chính phủ Hà Lan đã ngay lập tức thành lập Uỷ ban Châu thổ nhằm sửa chữa, thi công các công trình phòng vệ chống biển.
Kỳ quan đê biển
Sau một thời gian nghiên cứu thực địa, Ủy ban Châu thổ nước này đã cho ra đời một kế hoạch xây dựng các công trình với tầm vóc và quy mô vĩ đại. Đó là hệ thống các công trình đê biển, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt ở khu vực Tây Nam.
Tổng cộng có 65 đê chắn sóng đúc bê tông khổng lồ cùng 62 cửa van bằng thép di động treo giữa các đê chắn với tổng chiều dài 6,8km.
Hệ thống đê kéo dài ra biển.
Được biết các cửa van dày 5m và rộng 40m, thay đổi theo độ cao từ 6m đến 12m tuỳ theo vị trí của chúng trong đập chắn. Cửa van lớn nhất nằm ở phần sâu nhất của châu thổ, nặng tới 480 tấn phải mất cả tiếng đồng hồ mới mở hay đóng cửa van.
Các công trình này được xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ nhằm bảo vệ các khu vực đất đai rộng lớn trong vùng châu thổ trước sự tấn công của nước biển. Đây cũng được ghi nhận là hệ thống phòng hộ duy nhất chống lại sóng biến trên thế giới thuộc loại này.
Thậm chí, cùng với kim tự tháp ở Ai Cập, đường hầm qua eo biển Manche, kênh đào Panama , đấu trường Colosseum… Hệ thống đê biển ở Hà Lan được các nhà kiến trúc trên thế giới bầu chọn là một trong số 10 công trình vĩ đại nhất trên hành tinh.
Cối xay gió xây dựng dọc theo các con kênh để tăng khả năng thoát nước.
Ngày nay, nhờ công nghệ hiện đại, Hà Lan còn tạo ra những đập nước di động để tăng hiệu quả ngăn lũ nhưng vẫn đảm bảo giao thương đường thủy.
Hay mới đây, các chuyên gia Hà Lan đang nghiên cứu và triển khai những dự án xây dựng hệ thống “đê chắn sóng thông minh” bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng để giám sát những con đê, đập nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu.
Theo đó các chuyên gia và các nhà khoa học thủy lợi Hà Lan đang thử nghiệm gắn các chip vào thân đê, đập nhằm mục đích phát hiện sớm và cảnh báo các trận sóng thần và nước biển dâng.
Cuối cùng, trong trường hợp xấu nhất, tức là nước biển dâng quá nhanh, hệ thống bơm nước bị hỏng, với địa hình của Hà Lan, trong vòng một tuần, toàn bộ lãnh thổ Hà Lan sẽ bị chìm trong nước. Chính vì vậy, người dân Hà Lan có ý thức rất cao với mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn này.
Trẻ em tại Hà Lan được học bơi lội từ nhỏ và để lấy được “bằng bơi lội” chúng phải trải qua bài kiểm tra đạp nước trong vòng 30 phút, xác định một vật cản dưới nước, sau đó bơi 100m.
Cối xay gió – vị cứu tinh của đất nước Hà Lan
Không phải ngẫu nhiên cối xay gió lại trở thành biểu tượng của đất nước Hà Lan. Nếu như ngay từ thế kỷ thứ 10, người Hà Lan đã nghĩ cách trị thuỷ bằng việc đắp đê thì 400 năm sau đó, họ nhận ra tác dụng kỳ diệu của cối xay gió trong cuộc chiến giành lại đất.
Cối xay gió xuất hiện ở khắp mọi nơi trên đất nước Hà Lan. Sự hiện diện của cối xay gió dày đặc hơn tại những khu vực trũng.
Ban đầu, cối xay gió làm bằng đá, sau đó được cải tiến với chất liệu nhẹ hơn như gỗ. Những chiếc cánh quạt cực khỏe, dài hàng chục mét của cối xay gió truyền lực của gió lên bánh guồng lớn bằng gỗ để đổ nước ra sông.
Ngoài ra cối xay gió cũng được xây dựng dọc các con kênh để tăng khả năng thoát nước.
Ngày nay, cối xay gió đã không còn đóng vai trò chính trong quy trình thoát nước của Hà Lan. Người ta sử dụng máy bơm dùng nhiên liệu diesel và bơm điện để đẩy nước xuống hạ nguồn. Tuy nhiên, cối xay gió vẫn luôn là niềm tự hào và nét đặc trưng không thể chối bỏ của đất nước Hà Lan.
Nhìn chung vì nhận thức được là quốc gia ven biển, có nhiều khu vực dưới mực nước biển và những phần đất thấp thường bị ngập nên người Hà Lan đã trở thành chuyên gia đứng đầu thế giới về các biện pháp chống biển.
Giờ đây cả thế giới được chiêm ngưỡng đất nước Hà Lan với không gian thoáng đãng, cánh đồng hoa tuylíp, cối xay gió và những tòa biệt thự cổ kính bên những dòng kênh rạch phủ khắp cả nước.
Người Hà Lan luôn tự hào rằng: “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan“.
- Video: Đê chắn sóng thần ở Nhật Bản
- Một trong những bí ẩn lớn nhất của loài người đã được giải đáp từ… cục phân 14.000 năm tuổi
- Danh sách 5 món quen thuộc trong gia đình nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn và ngộ độc cực cao