Những người yêu thích thiên văn học sẽ được chiêm ngưỡng siêu trăng thứ 3 trong năm nay vào ngày 17/10.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), siêu trăng có thể dễ dàng nhìn thấy từ Việt Nam vào lúc 18h28, ngày 17/10. Lúc này Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn khiến cho mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy một Mặt trăng “siêu to khổng lồ”.
Siêu trăng có thể dễ dàng nhìn thấy từ Việt Nam vào lúc 18h28, ngày 17/10.
Lần siêu trăng này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Mặt Trăng của thợ săn vì vào thời điểm này trong năm lá rụng và bước vào mùa đi săn. Mặt trăng này còn được gọi là Mặt trăng du lịch và Mặt trăng máu.
Theo định nghĩa của Richard Nolle, cha đẻ của khái niệm siêu trăng, trong năm 2024 sẽ có 4 lần siêu trăng lần lượt diễn ra vào các ngày 19/8, 18/9, 17/10 và 15/11.
Vào những đêm siêu trăng, bạn sẽ thấy mặt trăng trên bầu trời với đĩa sáng có kích thước lớn hơn khoảng 8% và độ sáng lớn hơn khoảng 15% so với những đêm trăng tròn bình thường khác. Do vậy, ngay cả khi quan sát mặt trăng một cách bình thường, bạn vẫn có thể nhận ra được sự khác biệt này.
Bên cạnh sự xuất hiện của siêu trăng, trong tháng 10 này, những người yêu thiên văn còn có thể chiêm ngưỡng 2 trận mưa sao băng là Draconids và Orionids.
Mưa sao băng Draconids sẽ xuất hiện vào 7/10. Đây là một trận mưa sao băng nhỏ với tốc độ chỉ khoảng 10 sao băng mỗi giờ và thời điểm diễn ra đẹp nhất vào đầu buổi tối.
Orionids là một trận mưa sao băng trung bình tạo ra tới 20 sao băng mỗi giờ ở đỉnh điểm. Nó được tạo ra bởi các hạt bụi do sao chổi Halley để lại, được biết đến và quan sát từ thời cổ đại.
Trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 2/10 – 7/11. Cực điểm của trận mưa sao băng năm nay vào đêm 21 rạng sáng ngày 22/10. Thời điểm xem tốt nhất sẽ là sau nửa đêm.
- Ngày 14/11, siêu trăng lớn nhất trong vòng 70 năm sẽ xuất hiện
- Những sự thật lạ lùng về Siêu trăng
- Giải mã hiện tượng nguyệt thực, nhật thực cùng xuất hiện trong tháng