Sinh vật kỳ lạ này có thể tự phát triển khối u nếu ăn quá nhiều, và sau đó truyền sang cá thể khác.
Một nghiên cứu mới về sinh vật thủy tức có ngoại hình giống sứa, còn được gọi là hydra (tên đầy đủ: Hydra oligactis), cho thấy chúng có thể phát triển khối u nếu ăn quá nhiều.
Hình ảnh từ kính hiển vi cho thấy một con thủy tức đang “đẻ con” bằng cách tách ra một cá thể từ phần thân của chúng (Ảnh: iNaturalist).
Đáng chú ý, khối u này có thể được truyền sang thế hệ con cháu được nhân bản của chúng. Đây là trường hợp hiếm hoi ghi nhận về bệnh ung thư có thể lây truyền giữa các cá thể sinh vật sống.
Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã thu thập 50 con hydra từ hồ Montaud (Pháp) và nuôi chúng trong phòng thí nghiệm.
Sau khi cho các sinh vật này ăn một lượng lớn ấu trùng tôm ngâm nước muối, nhóm nghiên cứu phát hiện chúng bắt đầu phồng lên, và xuất hiện khối u sau 2 tháng.
Khối u này sau đó được phát hiện có thể lây truyền từ thế hệ cha mẹ sang con cháu thay vì tự phát. Khả năng xuất hiện khối u của chúng cao hơn gấp 4 lần so với những cá thể có cha mẹ bình thường, dù tất cả đều giống nhau về mặt di truyền.
Từ phát hiện này, nhóm nghiên cứu xác nhận rằng khối u thực sự có thể xuất hiện ở H. oligactis và tốc độ lây truyền ở chúng tăng theo thời gian. Đây là quan sát thực nghiệm đầu tiên về quá trình tiến hóa của khối u có khả năng lây truyền.
Điều này cùng với xu hướng hình thành khối u trong điều kiện phòng thí nghiệm, cho thấy tiềm năng nghiên cứu di truyền học của quá trình phát triển ung thư.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, công trình này là đóng góp đầu tiên vào việc hiểu được các điều kiện xuất hiện của bệnh ung thư truyền nhiễm, và hậu quả ngắn hạn của chúng đối với vật chủ.
- Loài động vật có khả năng “trường sinh bất tử”
- Điểm danh những sinh vật gần như “bất tử” trong thế giới tự nhiên
- Sinh vật có độc giống bóng bay tấn công bờ biển Anh