Hồ Isa ở Yellowstone sở hữu đặc điểm độc nhất vô nhị là chảy ra cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Nằm trong vườn quốc gia Yellowstone giữa khu vực mạch nước phun Old Faithful và West Thumb, hồ Isa nằm trực tiếp trên Đường phân chia Bắc Mỹ, tức dãy núi Rocky. Dãy núi này chạy dọc Bắc Mỹ, chia tách dòng chảy của hệ thống sông ra phía đông và phía tây, đổ vào những đại dương khác nhau, theo IFL Science.
Hồ Isa trong vườn quốc gia Yellowstone. (Ảnh: Wikimedia).
Kết quả từ vị trí độc đáo là phần phía đông của hồ Isa đổ vào sông Lewis, phụ lưu của sông Columbia, đổ vào Thái Bình Dương. Trong khi đó, phần phía tây của hồ này đổ vào sông Firehole, phụ lưu của sông Madison, đổ ra vịnh Mexico, nối liền với Đại Tây Dương qua eo biển Florida.
Hồ Isa nằm trên một con đèo ở độ cao 2.518m. Vào mùa xuân, khi chảy tràn do tuyết tan, nước hồ sẽ di chuyển theo hai hướng. Do hồ Isa nằm ở bồn địa, nó chỉ đổ ra biển khi mực nước đủ cao. Trong nhiều mùa đông gần đây, tuyết ở Yellowstone không đủ dày để lấp đầy hồ. Điều đó biến Isa thành hồ khép kín, có nước chảy vào nhưng không chảy ra. Phần lớn thời gian trong năm, nước ở hồ Isa không đổ ra hai đại dương mà bay hơi dưới nắng nóng.
Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở hồ Ladoga lớn hơn nhiều nằm gần St Petersberg ở tây bắc nước Nga, gần biên giới Phần Lan. Phần lớn hồ đổ vào vịnh Phần Lan qua sông Neva, cuối cùng hướng ra biển Baltic. Tuy nhiên, hồ cũng thông với phụ lưu thuộc hệ thống sông Volga, chảy ra biển Caspi.
Một ví dụ khác là sông Nerodime ở phía nam Kosovo. Nằm ở ngoại ô thành phố Ferizaj, con sông chia thành hai ngả, gọi là sông rẽ đôi. Nhánh bên trái đổ vào Biển Đen trong khi nhánh bên phải đổ ra biển Aegean, biến nó thành sông duy nhất ở châu Âu chảy vào hai biển.
- “Hồ ma quỷ”: Phát hiện chấn động ở độ sâu 4000m
- Truyền thuyết bí ẩn ở hồ nước ngọt sâu nhất thế giới
- Hồ tự nhiên nào lớn nhất Việt Nam?