Ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng là một trong những dịp quan trọng để những người kinh doanh cầu tài lộc, sung túc và may mắn.
Hướng dẫn cúng thần tài
Ngày vía thần tài 2024
Ngày vía Thần Tài theo truyền thống dân gian sẽ là ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Vì vậy, tính theo lịch Vạn Niên thì ngày vía Thần Tài 2024 sẽ là ngày thứ Hai, 19/2/2024. Vào ngày này, mọi người sẽ trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, bày biện mâm cúng để cảm tạ những phước lành mà Thần Tài mang đến cho năm trước và cầu mong sự may mắn về tài lộc cho năm sau.
Việc cúng Thần Tài mùng 10 tháng giêng nói chung và Thần Tài mùng 10 hàng tháng nói riêng là việc làm rất quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Với mục đích cầu Vía Thần Tài mong mang những điều may mắn, mang lại tiền tài, làm ăn phát đạt.
Ngày vía được định nghĩa là ngày liên quan đến tâm linh, sự thay đổi linh hồn của một người. Ngày vía này có thể là ngày sinh, ngày mất, ngày thành đạo… Chẳng hạn “Lễ vía Đức Phật A Di Đà đản sanh 17-11 âm lịch” là ngày sinh, “ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo” là ngày thành đạo… Còn thần tài, theo ghi chép sớm nhất liên quan đến ngày sinh của thần tài là “Ngọc hạp ký” của Hứa Chân Quân, đời Tấn vào ngày 22 tháng 7 âm lịch. Hiện nhiều nơi ở Trung Quốc vẫn tổ chức đón thần tài vào ngày này.
Cúng Thần tài là việc làm rất quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
Thần tài quen thuộc nhất trong dân gian là Triệu Công Minh. Ngày sinh của Triệu Công Minh có nhiều thuyết, thông dụng nhất là hai ngày: 15 tháng 3 (theo Nam Sơn cư sỹ đời Tần) và 22 tháng 7 (trùng với thuyết của Hứa Chân Quân ở trên), đồng thời các nhà thiên văn cổ cho rằng đây là ngày “mặt trời sáng nhất”. Do đó, ngày vía thần tài nếu có sẽ là ngày 22 tháng 7 hàng năm.
Những năm gần đây xuất hiện trào lưu người dân đổ xô đi mua vàng trong ngày “vía thần tài” mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới. Thực tế, ngày này chỉ là do một số người kinh doanh tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm, chứ không có tài liệu nào ghi chép, cũng như phong tục trong dân gian. Người dân có thể đi mua bán nhưng không nhất thiết phải chen lấn, mua giá cao trong ngày này.
Đầu năm, hầu hết các gia đình người Việt đều có lễ đón Thần tài theo phong tục dân gian cho rằng đầu năm cần chào đón thần tài từ thiên đình về hạ giới. Lịch trình cụ thể là mùng 2 làm lễ đón Hỷ thần (thần may mắn, hạnh phúc), mùng 3 đón Tài thần (thần tài lộc), mùng 4 là đón tiếp các vị thần khác từ thiên đình về hạ giới, mùng 5 là ngày phá trừ, dỡ bỏ đồ cúng. Riêng với các cửa hàng kinh doanh thì cúng thần tài hàng ngày.
Người dân chen chúc mua vàng trong ngày “Vía thần tài”. (Ảnh: Anh Quân)
Cách lễ cúng thần tài bao gồm:
Nơi cúng lễ
Việc làm lễ đón thần tài được cho là rất quan trọng vì theo dân gian, có đón thần tài mới bổ sung thêm được tài lộc trong năm. Người làm kinh doanh, không làm kinh doanh đều làm lễ giống nhau, chỉ khác là địa điểm. Người làm kinh doanh thờ thần tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân “thổ địa” thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của thần tài.
Nhiều người lễ ở nhà riêng thường đặt mâm cúng trước cửa, hay ngoài sân, ban công. Thực tế, cúng ngoài sân hay ngoài cửa dễ có “vãng vong”, dân gian gọi là vong lang thang vào phá. Tốt nhất ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà.
Thờ thần bao nhiêu thì vừa?
Nhà đã có ban thờ thần linh, gia tiên thì không nên làm thêm ban thờ thần tài, như đã giải thích ở bài Nghi lễ cúng ông Công ông Táo. Thờ nhiều thần thánh trong nhà sẽ làm gia đình bất hòa, con cái khó bảo hoặc gây ra những trục trặc khác. Nhiều nhà đặt cả Phật Di Lặc ngồi trên ban thờ thần tài, hay ban thờ thổ địa đặt riêng trên ban thờ thần tài… là không cần thiết và không nên, trong tâm linh là bất kính. Thực tế đo đạc bằng máy móc khoa học cũng thấy những trường hợp này gây ra trường khí nhiễu loạn, không ổn định. Nếu trót đặt nhiều ban thờ, nhiều bát hương nên làm lễ để thu gọn bớt lại.
Đồ lễ
Đồ lễ đơn giản, lễ vừa phải, không xa xỉ lãng phí mới được thần tài chú ý. Đa phần chỉ cần hoa tươi, quả tươi, nước sạch. Nhiều nơi làm lễ cúng thần tài to hơn cả cúng tất niên là không cần thiết. Một số lưu ý:
- Hương: Có nơi cho rằng thắp vào sáng, có nơi cho rằng cần thắp vào chiều tối, thực ra là không cần thiết và không có quy định cụ thể. Có thể chọn giờ tốt cho cúng lễ trong ngày hoặc chọn ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ hơn.
- Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Chỉ cần một chén nước là đủ, chứ không phải ba hay năm chén. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.
- Hoa: Bình hoa có thể bằng thủy tinh, gốm sứ… đều được. Chỉ nên chọn hoa tươi, hoa có nụ và có hương thơm càng tốt. Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt.
- Quả: Quả nên chọn loại tươi, ngon, nhìn nguyên vẹn, thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt… Cũng như hoa, không dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.
- Đèn, nến: Đèn cúng là đèn thật như đèn dầu, nến. Không dùng đèn nhấp nháy, đèn điện… vì đều tạo ra trường khí xấu, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
Mâm cúng Thần Tài gồm những gì?
Bộ tam sinh (tam sên, tam sanh)
Bộ tam sinh biểu trưng sâu sắc cho ba hình thái lễ vật của Thổ – Thuỷ – Thiên, mang ý nghĩa linh thiêng trong nghi lễ cúng bái. Mâm lễ tam sinh với miếng thịt heo, béo ngậy – biểu tượng của sự sống trên cạn (loài thai sinh), bên cạnh đó là ba con tôm hoặc cua luộc – những sinh vật phản ánh sự sống dưới nước (loài thấp sinh), và 1 hoặc 3 quả trứng – đại diện cho loài vật bay trên bầu trời (loài noãn sinh).
Ở miền Nam trù phú, người ta không quên đặt lên mâm cúng Thần Tài con cá lóc nướng thơm lừng, mang đậm hồn quê, với nét đặc trưng là không đánh vảy, không cắt đuôi, được nướng trui nguyên con.
Còn nơi cố đô Huế thơ mộng, truyền thống cúng lễ còn được tô điểm bằng lưỡi heo hay mép bò, thêm phần đa dạng và phong phú. Và không thể thiếu những gia đình may mắn với điều kiện dư dả, họ có thể chọn cúng cua Hoàng đế hay tôm hùm, tô điểm thêm cho bộ Tam sinh giàu có, song vẫn giữ vững bản sắc truyền thống của bộ ba sinh thái Thổ – Thuỷ – Thiên.
(Ảnh: Gia Hân Flower).
Bộ tam sinh không chỉ dùng trong ngày cúng vía Thần Tài mà còn được bày trong những ngày lễ cúng như khai trương, động thổ, cúng thổ thần, thuỷ thần,…
Bánh bao tạo hình may mắn
Trong ngày vía Thần Tài mâm cúng không thể thiếu được bánh bao tạo hình may mắn chẳng hạn như túi tài lộc, tiền vàng, thỏi vàng, hình quả đào,… chủ yếu với các màu sắc đỏ, vàng, hồng.
Ngoài ra, cứ gần đến ngày vía Thần Tài, hàng loạt các cửa tiệm bán các loại bánh may mắn để cúng Thần Tài như bánh kem hoặc bánh dứa Thần Tài tạo hình đào tiên, thỏi vàng, hũ vàng, mèo Thần Tài, túi tiền, set ngọc thực, oản… rất đắt khách.
Không chỉ vậy, mâm lễ cúng còn có, chè trôi nước, xôi gấc đỏ hoặc xôi đậu xanh tạo hình chữ Phúc, Lộc, Thọ. Nhiều chị em còn bày xôi ngũ sắc cho thêm may mắn, đẹp đẽ. Nếu không có thời gian tự thực hiện, mọi người có thể mua sẵn về chỉ việc hấp chín hoặc bày biện luôn mâm lễ rất tiện lợi và đẹp mắt.
Giờ tốt để cúng vía Thần Tài 2024
Theo các chuyên gia về phong thủy, thì thời điểm tốt nhất để làm lễ cúng là vào buổi sáng, cụ thể là từ 09h00 – 11h00, hoặc 11h00 – 13h00. Ngoài ra, 15h00 – 17h00 cũng là giờ tốt để cầu xin thần linh.
Bài văn khấn trong ngày cúng vía thần Tài
Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ Địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là……………………………..Tuổi…………………………………….
Ngụ tại……………………………………………………………………………………….
Hôm nay là ngày……..tháng……..năm…………..(âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quản và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thân.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Bài văn cúng Thần Tài hằng ngày
Lạy Thành Hoàng bản cảnh, ông Địa – Thần Tài, ông chủ gia bà chủ đất, các phần hương linh khuất mặt khuất mày, các vị Tiền chủ Hậu chủ.
Con tên là… niên canh… , …. tuổi.
Ở tại ngôi gia, số… đường… quận… tỉnh (thành)… Việt Nam quốc.
Khấu xin Thành Hoàng bản địa, ông Địa – Thần Tài chứng minh cho lòng thành tâm khấn vái, xin chư vị cho con được… (lời khấn để xin điều gì đó).
Mọi việc vuông tròn, con xin được hậu tạ… (hứa hẹn tạ lễ).
Con xin Thành Hoàng bản địa, ông Địa – Thần Tài, ông chủ gia bà chủ đất, các phần hương linh, chư vị Tiền chủ Hậu chủ chứng giám cho lòng thành khấn vái. Kính bái.
Khấn xong, vái hay lạy ba cái.
Nguyễn Mạnh Linh
Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc
Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – ĐHXD
Ngày vía Thần Tài 2024 nên mua gì, làm gì cả năm may mắn?
Đi mua vàng
Theo truyền thống, người dân sẽ thường đi mua vàng vào ngày cúng vía Thần Tài vì họ tin rằng việc làm này sẽ mang lại nhiều may mắn, phát tài phát lộc. Do Thần Tài giúp cho việc làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt và tài lộc thịnh vượng nên mọi người cũng sẽ mua vàng để cúng trả lễ cho Thần Tài vào ngày này.
Mua đồ phong thủy
Vào ngày vía Thần Tài, cũng có nhiều gia đình lựa chọn việc mua thêm những món đồ phong thủy như đá phong thủy, tượng Thiềm thừ,… để mong một năm được làm ăn phát đạt và thêm sung túc, may mắn.
Không chỉ mua vàng, người ta còn mua mèo Thần Tài vào ngày này, đặc biệt là những hộ kinh doanh, buôn bán với mong muốn cầu tiền tài, may mắn trong công việc, mua bán thuận buồm xuôi gió.